Tại tờ trình HĐND quận Tây Hồ ngày 1/6 về chủ trương đầu tư một số dự án công, UBND quận cho biết việc cải tạo, nâng cấp trường THPT Chu Văn An nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học, hướng tới chuẩn quốc tế, đồng thời giữ gìn những di sản về kiến trúc.
Theo đó, trường sẽ được xây mới hội trường hai tầng (kiêm thư viện và phòng hội thảo), tổng diện tích sàn 1.770 m2; nhà thể chất kết hợp bể bơi 1.600 m2, hai khu nhà, một khu ký túc xá bốn tầng. Tổng diện tích sàn xây mới hơn 13.000 m2.
Ngoài ra, UBND quận Tây Hồ dự kiến phá dỡ hội trường Thăng Long cũ, nhà thể chất, khu nhà hội đồng, phòng thí nghiệm, nhà kho, nhà xe đã cũ. Những hạng mục được tu bổ, bảo tồn là các công trình thuộc di tích quốc gia, gồm khu phòng học A, B, C, D, nhà hiệu bộ, khu ký túc xá.
Dự kiến, việc này kéo dài từ nay đến năm 2025, tổng mức đầu tư là 251,6 tỷ đồng, lấy từ ngân sách quận Tây Hồ và một phần ngân sách thành phố.
Ngoài ra, quận Tây Hồ cũng lên kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học khối 4, 5, 8, 9 cho các trường công lập, tổng hơn 28 tỷ đồng.
Các kế hoạch này đang chờ HĐND quận Tây Hồ phê duyệt.
THPT Chu Văn An (tiền thân là trường Bưởi) được chính quyền Pháp thành lập năm 1908, có diện tích khoảng 42.000 m2. Đây là một trong 5 trường phổ thông trên 100 tuổi - lâu đời nhất ở Việt Nam hiện nay.
Trường mang đậm phong cách kiến trúc Pháp, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thủ đô, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 2004. Năm 1995, cùng với Quốc học Huế và chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), trường Chu Văn An trở thành một trong ba trường THPT trọng điểm quốc gia.
Hiện, THPT Chu Văn An là một trong hai trường THPT công lập có lớp chuyên ở Hà Nội. Mỗi năm, trường tuyển khoảng 500 học sinh, luôn nằm trong nhóm có tỷ lệ chọi và điểm chuẩn đầu vào cao nhất thành phố.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, UBND thành phố sẽ chi hơn 8.500 tỷ đồng từ ngân sách để sửa chữa 123 trường và xây mới 16 trường.
Thanh Hằng