![]() |
Người dân phải sống chung với ùn tắc giao thông. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo ông Đào Công Hải, Trưởng phòng cảnh sát giao thông, với 1,9 triệu xe máy đang lưu hành trên địa bàn và có chiều hướng tăng thêm, thì việc ùn tắc giao thông nghiêm trọng chắc chắn xảy ra. "Người dân Hà Nội sẽ phải chấp nhận đi tốc độ chậm. Quân số cảnh sát của chúng tôi vẫn như vậy, nên khó có thể giải quyết được ùn tắc", ông Hải nói.
Sở Giao thông công chính cũng nhận định, lượng phương tiện lưu hành trong thành phố sẽ tăng nhanh. Để đối phó với tình trạng ách tắc, Sở đã phối hợp với Công an Hà Nội đưa ra một số biện pháp như lập tổ khảo sát các điểm có nguy cơ ùn tắc. Tổ này có sự tham gia của liên ngành Giao thông và Công an Hà Nội, sẽ khảo sát và đưa ra các biện pháp giải quyết ùn tắc tại các điểm ùn tắc giao thông trong thời điểm giáp Tết Bính Tuất.
Đặc biệt, tất cả các tuyến đường trong thành phố có chiều rộng dưới 4 m sẽ cắm biển cấm ôtô, không kể đường phố đó có tên hay không tên.
Ngoài ra, sẽ điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoạt động theo thời lượng hợp lý, đặc biệt tại các nút nằm trong Dự án tăng cường năng lực giao thông. Tại nút Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng sẽ thiết lập nhánh rẽ phải không phụ thuộc vào đèn tín hiệu giao thông tại nút. Nút Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng được lắp đặt thêm đèn tín hiệu.
Trên đường Láng Hạ (nút Láng Hạ - Thành Công) sẽ cắm biển "Hướng đi phải theo rẽ phải" để các phương tiện đến nơi mở dải phân cách gần nhất sang đường.
Tại các tuyến đường trọng điểm, các nút thường xuyên ùn tắc như đường Phạm Văn Đồng, cầu Chương Dương, nút Yên Phụ - Hàng Đậu phải tăng cường lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông, phối hợp với tình nguyên viên để điều hành giao thông trong giờ cao điểm.
Nghiên cứu giảm phương tiện tham gia giao thông vào trung tâm thành phố không qua nút Bưởi bằng cách hướng dẫn đi từ đường Hoàng Quốc Việt theo đường Nguyễn Văn Huyên vào phố Đào Tấn. Trên đường Đội Cấn từ đường Liễu Giai đến dốc Tập Lái sẽ cho phép phương tiện được đi 2 chiều, chỉ cấm xe tải, xe ca.
Đoàn Loan