Mục tiêu này được Sở Y tế đưa vào Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030.
Theo giới chức y tế, Hà Nội đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng là tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, dẫn đến việc trẻ chậm phát triển chiều cao.
Năm 2021, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nội thành là 30%, còn ngoại thành là 20%. Trong đó, tỷ lệ học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì tăng nhanh từ 30% năm 2017 lên 38% năm 2021. Ở lứa tuổi trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng tăng từ 14,1% năm 2016 lên 19,2% năm 2021. Mặt khác, phần lớn phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chưa biết chăm sóc dinh dưỡng cho con, không bổ sung đầy đủ vi chất, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thể còi hoặc thể bụ.
Đánh giá về mục tiêu nâng chiều cao cho thanh niên của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nói con số này là khả thi, bởi thủ đô có điều kiện sống tốt, phụ huynh quan tâm và hiểu biết về chế độ ăn uống, luyện tập thể thao hơn so với các địa phương khác.
"Tại đây, trẻ được tiếp cận môi trường tốt, tham gia nhiều bộ môn thể thao hoặc hoạt động ngoại khóa như bơi, cầu lông, bóng rổ, nhảy dây... để tăng trưởng chiều cao", bác sĩ Lâm cho biết và nhấn mạnh Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc chăm sóc dinh dưỡng, thể dục thể thao trong trường học đến gia đình.
Bên cạnh mục tiêu tăng chiều cao, giới chức thành phố đặt quyết tâm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em. Cụ thể, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 10% vào năm 2025 và duy trì dưới 10% đến năm 2030. Đối với trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, tỷ lệ giảm xuống còn 6,8% vào năm 2025 và dưới 6% vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Y tế có kế hoạch nâng cao năng lực của các đơn vị y tế dự phòng, các cán bộ y tế làm công tác dinh dưỡng lâm sàng tại các bệnh viện, đảm bảo cung cấp các dịch vụ khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người dân. Mặt khác, Sở khuyến cáo người dân kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì; các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; dự phòng các bệnh mạn tính không lây...
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020, chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam là 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ cao trung bình 156,2 cm, tăng 1,4 cm. Ngày 28/7, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy chiều cao người dân được cải thiện rõ rệt, nữ tăng từ 152,3 cm năm 2000 lên 155,6 cm năm 2020; nam từ 162,3 cm lên 168,1 cm.
Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia). Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm.
Thùy An - Mỹ Ý