Thông tin trên được Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội (người phát ngôn thành phố) Vũ Đăng Định nói trong họp báo chiều nay, gần nửa tháng sau khi cuộc sống của 250.000 hộ dân Hà Nội đảo lộn vì nước sạch nhiễm dầu thải.
Theo ông Định, 69/69 mẫu nước được Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các đơn vị chuyên môn trung ương lấy tại hộ dân ở 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy sông Đà gồm: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.
Ông Định cho biết thêm, trong thời gian này, thành phố tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe téc và bình nước loại 20 lít đến những khu dân cư có nhu cầu, đồng thời đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà miễn phí tiền nước đến hết ngày 31/10.
Thành phố cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục xét nghiệm mẫu nước tại đầu nguồn, nhà máy, các bể chứa tăng áp của nhà máy, các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10. Kết quả sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về quy trình xét nghiệm các mẫu nước, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc xét nghiệm nước được thực hiện theo thông tư 41 năm 2018 của Bô Y tế.
Quy chuẩn về nước sạch đang dùng là quy chuẩn Việt Nam 01 năm 2009, quy định 109 chỉ tiêu, chia làm ba mức độ giám sát: 14 chỉ tiêu giám sát mức độ A (biến động nhiều); 17 chỉ tiêu mức độ B (biến động ít hơn) và 78 chỉ tiêu mức độ C (rất ít khi biến động). Với chỉ tiêu A, đơn vị cung cấp nước sạch phải nội kiểm (tự kiểm tra) mỗi tuần một lần, ngành y tế hai tháng kiểm tra một lần. Chỉ tiêu B ngành y tế kiểm tra sáu tháng/lần, chỉ tiêu C hai năm/lần.
Ông Hạnh cho biết, trước khi đưa vào sử dụng thì nhà máy bắt buộc phải công bố cả ba chỉ tiêu an toàn và chịu trách nhiệm về công bố. Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm của nhà máy phải lấy mẫu kiểm tra hàng ngày một số chỉ tiêu mùi vị, độ đục... và xử lý hoá chất. Tất cả quy trình này đều được lập biên bản và lưu trữ.
Trả lời câu hỏi về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng "hồ Đầm Bài rất rộng, bảo vệ rất khó, nước hồ còn dùng chung cả cho tưới tiêu. Thành phố đã có công văn yêu cầu tách riêng các nguồn nước sản xuất và nước tưới tiêu để bảo vệ".
Theo ông Dục, nguồn nước mặt sông Đà được đưa vào sử dụng từ 11 năm trước, có thể có những thiết bị cũ, không còn phù hợp nên thành phố đề nghị thay thế công nghệ hiện đại hơn. Thành phố sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước để chỉ rõ trách nhiệm các bên; đồng thời đầu tư thiết bị quan trắc, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ liên quan chất lượng nước sạch.
Với Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, thành phố yêu cầu bổ sung hệ thống quan trắc tự động để đánh giá chất lượng nước đầu vào, đầu ra, kịp thời cảnh báo, khắc phục các sự cố trong tương lai.
Thành phố cũng yêu cầu Công ty rà soát toàn bộ thiết kế của nhà máy, xây dựng khu chứa nước đầu vào riêng, không sử dụng chung với hồ Đầm Bài như hiện nay.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...
Ngày 11/10, Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu, xét nghiệm.
Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Một số cán bộ công ty phát hiện dầu thải sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.
Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước bị nhiễm độc, "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Thành phố huy động các nhà máy khác chở nước sạch bằng xe téc đến từng khu dân cư.
Cuộc khủng hoảng được đẩy lên cao hơn khi sáng 16/10, Viwasupco thông báo ngừng cấp nước để súc xả đường ống. Trong một ngày, hàng trăm nghìn người dân ùn ùn đi "vơ vét" nước đóng chai để tích trữ.
Ngày 17/10 công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. Ba nghi phạm Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và Lý Đình Vũ bị giữ trong hai ngày 17 và 20/10.
Nhóm này khai đã chở dầu bằng xe tải từ Công ty gạch Thanh Hà (Phú Thọ) đến đổ ở khe núi huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình hôm 8/10. Dầu từ khe núi theo mưa đã tràn xuống nguồn nước nhà máy sông Đà. Mục đích của nhóm nghi phạm đang được làm rõ.
Ngày 22/10, Hà Nội công bố "nước sông Đà có thể ăn uống".