Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết toàn thành phố thành lập một ban chấm thi, một ban làm phách. Sở đã điều động hơn 2.300 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi, dựa trên nguyên tắc 50% là giáo viên THCS, 50% giáo viên THPT. Để đảm bảo an toàn phóng, chống dịch, cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi sẽ được xét nghiệm Covid-19.
"Dù thời gian tổ chức kỳ thi lùi lại hai ngày, Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành công tác chấm thi như kế hoạch ban đầu, vào ngày 28/6", ông Đại nói. Dự kiến, ngày 29/6 Sở sẽ tổ chức ghép điểm xét tuyển cho từng thí sinh và công bố điểm thi chậm nhất ngày 30/6.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 12-13/6 với sự tham gia của hơn 93.300 thí sinh. Chỉ khoảng 67.000 em được theo học các trường THPT công lập. Số còn lại sẽ học trường ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và học nghề.
Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm Lịch sử + Điểm ưu tiên.
So với mọi năm chỉ được đăng ký hai nguyện vọng vào trường THPT công lập, năm nay học sinh sẽ đăng ký ba, trong đó nguyện vọng 1 và 2 thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh cư trú, nguyện vọng 3 có thể ở khu vực tuyển sinh bất kỳ. Các em không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký (mọi năm được thay đổi một lần).
Về nguyên tắc xét tuyển, nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, học sinh không được xét tuyển nguyện vọng 2 và 3. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, học sinh được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1 điểm.
Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì được xét tuyển nguyện vọng 3, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2 điểm.