"Dây chuyền" tiêm chủng gồm bộ phận tiếp đón đo nhiệt độ, huyết áp; một cán bộ khám tư vấn chỉ định tiêm; một cán bộ tiêm; một cán bộ theo dõi sau tiêm và bộ phận nhập dữ liệu tiêm chủng.
Dự kiến toàn thành phố có 824 điểm tiêm chủng cố định và di động; 100 tổ cấp cứu di động đảm bảo cấp cứu khi cần thiết.
Theo bà Hà, UBND TP đã phê duyệt kế hoạch khung, trong đó các quận, huyện chịu trách nhiệm và chỉ đạo trực tiếp về hoạt động tiêm chủng trên địa bàn.
Lực lượng sinh viên y khoa, bác sĩ nghỉ hưu được huy động tham gia tiêm chủng, đảm bảo sẵn sàng tiêm khi có đủ lượng vaccine. Công an, đoàn thanh niên, cựu chiến binh... tham gia phân luồng tiếp đón người dân; ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, tương tác, bố trí lực lượng theo dõi sau tiêm. Sở Y tế Hà Nội chịu trách nhiệm về vấn đề chuyên môn.
Thành phố cũng chuẩn bị kho chứa để tiếp nhận tối đa cùng lúc 1,3 triệu liều vaccine.
Theo UBND thành phố, Hà Nội có gần 5,1 triệu người cần tiêm chủng. Từ tuần này, thành phố bắt đầu phát phiếu đăng ký, trong đó khảo sát độ tuổi, bệnh lý nền của người dân. Dựa trên dữ liệu người dân cung cấp, loại vaccine được phân bổ, cán bộ y tế sẽ mời mọi người đi tiêm.
Về độ tuổi tiêm chủng, Giám đốc Sở Y tế cho biết sẽ căn cứ dựa trên loại vaccine được phân bổ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và khuyến cáo từ nhà sản xuất vaccine. Người trên 65 tuổi được đăng ký và có cơ hội tiêm vaccine Covid-19. Nếu họ có bệnh nền, bệnh mạn tính thì có thể tiêm ở bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Do Chính phủ đang ưu tiên phân bổ vaccine cho các tỉnh miền Nam, số lượng vaccine Hà Nội nhận được chưa nhiều, khoảng 160.000 liều trong bốn đợt vừa qua. Vì vậy, thành phố sẽ triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 trước, bà Hà cho hay.
Chi Lê