- Hà Nội đã có quy hoạch điểm đỗ xe, theo ông tại sao quy hoạch này không thành hiện thực?
- Năm 2003 thành phố quy hoạch điểm đỗ xe, đã xác định hiện trạng, nhu cầu và vị trí để xây dựng các điểm đỗ, hình thức đỗ tại từng khu vực. Sau quy hoạch là một kế hoạch cụ thể, nhưng đến nay chưa được triển khai. Theo tôi, điểm đỗ xe chưa được nhà quản lý thành phố Hà Nội quan tâm. Nếu họ quan tâm thì không có tình trạng thiếu điểm đỗ như hiện nay. Họ chú trọng khai thác hiện trạng lòng đường hơn là đầu tư mới.
Có một vài nhà đầu tư xin vào các dự án bãi đỗ xe ngầm song thủ tục đầu tư của chúng ta chưa đồng bộ, mất nhiều thời gian nên họ nản. Các nghị định khuyến khích đầu tư vào bãi đỗ ngầm nhưng lại vướng Luật đất đai, chưa quy định cụ thể giao đất dưới ngầm như thế nào, ranh giới tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, nên khó triển khai chứ không phải do thiếu vốn. Tôi tin doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư song họ ngại thủ tục.
- Doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư bãi đỗ xe hàng chục tỷ đồng trong khi nguồn thu không đáng kể, ông nghĩ sao về điều này?
- Đấy là khoán trắng cho doanh nghiệp, chưa có quan tâm của nhà nước nên họ rất khó làm. Nhà nước cần hỗ trợ các công trình ngoài hàng rào hoặc một phần giải phóng mặt bằng, thuế. Phải vào cuộc với doanh nghiệp để giải quyết vấn đề đỗ xe thì thời gian triển khai không quá dài.
Theo tôi, chúng ta phải có một lộ trình để phấn đấu thực hiện, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, nhà nước có chính sách ưu đãi riêng. Tôi cho rằng đầu tư vào bãi đỗ xe là không lỗ.
Ông Nguyễn Hồng Tiến. Ảnh: Đoàn Loan. |
- Hà Nội chưa thu hồi được mảnh đất nào để làm bãi đỗ xe, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã xây dựng văn phòng, chung cư tại đây, phải quy trách nhiệm việc này như thế nào?
- Các vị trí đã quy hoạch song cũng có thể điều chỉnh cho phù hợp, bởi nhiều người cho rằng chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa dự báo được hết. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phụ thuộc quy hoạch phân khu.
Việc quy trách nhiệm không nên đặt lại nữa vì các công trình thay đổi mục đích đã hiện hữu và đưa vào sử dụng. Quy trách nhiệm thì rất khó, tốt nhất là rà soát và bổ sung quỹ đất còn thiếu. Phải điều chỉnh nội dung của quy hoạch, tìm các vị trí khác để đảm bảo khu vực đó có bao nhiêu đất đỗ xe.
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng một số bãi đỗ xe đã hoàn chỉnh song lại biến tướng sang các mục đích như văn phòng, siêu thị?
- Khi xây dựng dự án trung tâm thương mại, họ cam kết đảm bảo đủ chỗ đỗ, song trên thực tế không như vậy, nhiều tòa nhà xuất hiện gây ùn tắc trong khu vực, bởi nhiều người đi đến gây ùn tắc tức thời. Câu hỏi đặt ra khi phê duyệt dự án trung tâm thương mại có hợp với quy hoạch hay không, người phê duyệt dự án phải kiểm tra việc đó. Việc điều chỉnh có đúng trình tự thủ tục không? Chủ đầu tư xây dựng 3 tầng hầm để đỗ xe sau đó không thực hiện như vậy thì phải phạt. Mà phạt và sau đó là cưỡng chế thi hành chứ không phải phạt cho tồn tại.
Lỗi là do kiểm tra, kiểm soát trong quá trình quản lý, vận hành. Nếu không kiểm tra thường xuyên thì khi thấy lợi người ta sẽ chuyển đổi.
- Hà Nội đã nhiều năm dùng lòng đường, hè phố làm điểm đỗ xe. Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương này?
- Không nước nào không sử dụng lòng đường là nơi đỗ xe, cái chính là dùng đường nào, hè nào. Có nước cho đỗ từ 12h trưa đến chiều, sau đó sẽ phải giải tỏa. Ai nói cấm triệt để đỗ xe trên đường thì tôi không đồng tình, chức năng giao thông đô thị còn có không gian, kỹ thuật. Trong trung tâm hiện nay còn ít đất thì cần tận dụng các khu vực đã giao cho chủ dự án mà chưa triển khai để tận dụng làm bãi đỗ xe, hoặc tận dụng các trụ sở, quảng trường để đỗ xe ban đêm, có thể quy định đỗ từ 9h tối đến 4h sáng.
Trong đô thị nên phân vùng giao thông, khu trung tâm thì phí đỗ xe cao hơn, càng ra ngoài phí đỗ xe càng thấp. Và tăng cường xe công cộng, taxi thì người ta có thể đỗ xe bên ngoài và đi xe công cộng vào bên trong.
- Bản thân ông gặp khó khăn gì khi Hà Nội thiếu điểm trông giữ?
- Tôi hay đi xe máy nên rất cơ động. Tôi đến cơ quan làm việc hoặc đến các cơ quan thì không bất tiện vì cơ quan có chỗ đỗ xe. Nếu đi đón con thì đứng chờ một lúc dưới lòng đường. Nếu mọi người đi mua bán, thăm hỏi thì sẽ khó khăn nếu gửi xe. Đi ôtô thì rõ ràng là bất tiện bởi vì không thể tùy tiện đỗ đâu cũng được.
Nhưng qua việc cấm đỗ xe dưới lòng đường giúp cho mọi người có ý thức hơn, tìm chỗ đỗ chứ không thích đỗ đâu thì đỗ. Và để chính quyền các cấp xem lại trách nhiệm, năng lực quản lý của mình.
Đoàn Loan thực hiện