![]() |
Người dân mong chờ được đăng ký xe máy. Ảnh: Anh Tuấn |
Trong báo cáo giải trình tại HĐND đầu giờ sáng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Đỗ Hoàng Ân cho biết, quy định tạm ngừng đăng ký xe máy chỉ là 1 trong 9 giải pháp của thành phố trong việc giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Hiện nay, Hà Nội có 1,6 triệu xe máy, chiếm 60% phương tiện giao thông và là nguyên nhân gây nên 67% số vụ tai nạn giao thông ở thủ đô.
Theo báo cáo UBND Hà Nội, quy định tạm ngừng đăng ký đã có những hiệu quả bước đầu như giảm số xe máy đăng ký mới 174.000 chiếc so với năm 2004. Tuy nhiên, quy định này cũng đang làm nảy sinh tiêu cực như bao tên, mua suất tại những quận huyện chưa bị ngừng đăng ký xe máy. Thành phố vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Ông Ân cho biết, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về quy định này là: tiếp tục ngừng đăng ký tại 7 quận, mở rộng ra toàn thành phố (phương án 1); bãi bỏ song có đưa ra thêm biện pháp khác để giảm ùn tắc (phương án 2). Trong phần giải trình sáng 9/12, UBND Hà Nội đề nghị HĐND giao UBND thành phố tiếp tục sơ kết hiệu quả của việc tạm ngừng đăng ký xe máy, sau đó sẽ có báo cáo thường trực HĐND, xin ý kiến Bộ, ngành và Chính phủ. Ngoài ra, có thể trưng cầu ý kiến nhân dân.
Người Hà Nội, xe máy biển Lạng Sơn
![]() |
Ông Nguyễn Hoài Nam: "Cần bãi bỏ ngay quy định ngừng đăng ký xe máy". Ảnh: Đoàn Loan |
Ngay khi ông Ân kết thúc phần giải trình, đại biểu Nguyễn Hoài Nam lập tức đặt câu hỏi về con số 1,6 triệu xe máy đăng ký ở Hà Nội. Trong 1,6 triệu xe này có một lượng lớn xe Cup cũ nát từ đầu thập kỷ 90, người dân Hà Nội đã không còn sử dụng được hoặc đã chuyển ra các tỉnh ngoài. Số xe biển 29 đang lưu thông tại thủ đô không đến con số trên.
Từ lập luận trên, ông Nam cho rằng, nhu cầu mua xe mới thay thế của người dân là chính đáng và lãnh đạo thành phố nên bớt tư duy hành chính, cấm đoán quyền đăng ký xe của người dân. Thay vào đó, thành phố có thể sử dụng những biện pháp tài chính như tăng lệ phí trước bạ, hạn chế xe máy tại một số tuyến đường.
Tán đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Thành gay gắt: "Tôi yêu cầu phải bỏ ngay quy định tạm dừng đăng ký xe máy. Đây là quyền lợi của người bây giờ mới đến 18 tuổi. Xe máy bây giờ không còn là trang sức mà là nhu cầu thiết yếu của người dân. Đường phố Hà Nội chật hẹp nên xe buýt không phải giải pháp lâu dài. Ngay tuyến phố Hàng Bông, Hàng Gai, chỉ hai xe buýt tránh nhau là tắc đường".
Lấy dẫn chứng về một người bạn Hà Nội gốc nhưng vẫn phải nhờ đăng ký xe máy tận Lạng Sơn, đại biểu Chử Ngọc Tuất tỏ ý bức xúc khi những quy định hành chính đang đi ngược lại nhu cầu bức thiết người dân. Do có lệnh cấm, người dân đã phải mất vài triệu đồng cho "cò" để có được chiếc xe máy. Kết quả là số xe máy đăng ký trên giấy tờ giảm nhưng lượng xe lưu thông chưa chắc đã giảm.
"Chúng ta có đủ cơ sở để ra nghị quyết bãi bỏ quy định tạm ngừng đăng ký xe máy trong kỳ họp này. Việc ngừng đăng ký chỉ là 1 trong 9 giải pháp giảm ùn tắc. Thành phố nên chú ý đến các biện pháp khác như giãn dân, quy hoạch giao thông...", ông Tuất nói.
Cấm đăng ký xe là né tranh yếu kém về quản lý
"Tôi đề nghị hãy để cho người dân tự lựa chọn phương tiện đi lại, không cấm đăng ký xe máy. Thành phố phải có phương án giảm ùn tắc. Bức xúc của các đại biểu hiện nay là quy hoạch giao thông rất yếu kém", đại biểu Vũ Huy Hùng nêu rõ quan điểm.
Theo ông Hùng, nếu thành phố chủ trương phát triển giao thông công cộng thì tăng cường điều kiện hạ tầng cho người đi bộ. Hiện nay người dân phải đi xuống lòng đường. Nếu giao thông công cộng tốt thì người dân không tội gì phải đi xe máy.
Lấy dẫn chứng quận Hoàn Kiếm đông dân nhưng ít ùn tắc đại biểu Nguyễn Tiến Thắng cho rằng, nguyên nhân chính ùn tắc là do quy hoạch giao thông kém, một số tuyến đường độc đạo dẫn tới quá tải, Thành phố cần có thời gian nghiên cứu giải quyết vấn đề này thay vì cấm đăng ký xe máy.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Trịnh: "Thành phố cần nghiên cứu thêm". Ảnh: Đoàn Loan |
"Ngành công an, giáo dục nên phối hợp, kiểm tra các trường học xem tỷ lệ học sinh đi xe máy như thế nào. Kiên quyết xử lý và đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua các học sinh vi phạm. Phát triển ôtô buýt chúng tôi hoan nghênh nhưng xe chạy dầu diezen rất ô nhiễm, lái ẩu "tạt cánh đánh đầu", đại biểu Thắng đề xuất.
"Chúng ta ra Nghị quyết 34 có phần hơi vội vàng, đứng về góc độ quản lý chứ chưa đứng về phía người dân. Bỏ đăng ký xe máy là phù hợp với yêu cầu của người dân lúc này", đại biểu Vũ Đức Tân nêu ngay quan điểm. Gay gắt hơn, đại biểu này cho rằng cần phải xem xét vấn đề đăng ký ôtô hơn là đăng ký xe máy. Lý do hiện nay không có bãi gửi xe, ôtô đỗ tràn dưới lòng lề đường.
Thận trọng hơn, đại biểu Nguyễn Văn Trịnh, đề nghị HĐND kỳ này giao cho UBND tiếp tục sơ kết hiệu quả quy định tạm dừng đăng ký xe máy trong thời gian qua. Nếu cần có thể trưng cầu ý kiến nhân dân
Đầu năm 2006 quyết định về quy định đăng ký xe máy
Trong 12 ý kiến đại biểu về quy định cấm đăng ký xe máy, có 7 ý kiến đề nghị bãi bỏ ngay quy định trên tại kỳ họp này. Tuy nhiên, trong phần kết luận, Chủ tịch HĐND Phùng Hữu Phú đã "chốt lại" là đồng ý với kiến nghị của UBND thành phố là chưa bãi bỏ ngay quy định ngừng đăng ký xe máy. UBND Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và lấy ý kiến các Bộ, ngành trung ương. Vấn đề này sẽ được đưa vào Nghị quyết kinh tế xã hội của thành phố năm 2006.
"Ngay sau kỳ họp này, UBND Hà Nội khẩn trương tiến hành việc đánh giá hiệu quả quy định ngừng đăng ký xe máy báo cáo thường trực HĐND, báo cáo Thủ tướng vào đầu năm 2006. Nếu quy định không hiệu quả thì phải mạnh dạn bãi bỏ", ông Phú nói.
Trao đổi với VnExpress trong giờ nghỉ, nhiều đại biểu cho rằng, HĐND nên lấy ý kiến biểu quyết của đại biểu về vấn đề ngừng đăng ký xe máy.
Việt Anh