Nội dung này được nêu trong Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại bốn quận vừa được UBND TP Hà Nội ban hành. Thành phố cho phép bố trí trường mầm non nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích sân chơi, lối đi riêng và quy định an toàn vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Chỉ tiêu tính toán 1,1 m2 sàn/người hoặc 15,2 m2 sàn/trẻ và phải bảo đảm đủ các công năng theo quy định.
Với các khu đất xây dựng công trình trường học hạn chế về quỹ đất thì được phép nghiên cứu bổ sung thêm tầng cao, tầng hầm phục vụ cho các nhu cầu phụ trợ.
Cụ thể, trường mầm non được xây dựng tối đa 4 tầng (tầng 4 chỉ phục vụ cho các công trình phụ trợ, không bố trí phòng học). Các công trình trường tiểu học, THCS, THPT xây dựng không quá 5 tầng (tầng 5 chỉ phục vụ cho các công trình phụ trợ, không bố trí phòng học; không bố trí các phòng học cho học sinh lớp 1 ở tầng 4). Không bố trí gara o tô dưới tầng hầm khối nhà học.
Thành phố cũng quy định, các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục, cơ quan sau khi di dời phải dành tối thiểu 50% quỹ đất để bổ sung các công trình công cộng, các tiện ích đô thị khác còn thiếu như trường học, công viên, cây xanh - thể dục thể thao, bãi đỗ xe.
Quyết định quy chuẩn kỹ thuật cũng đưa ra yêu cầu về chỉ tiêu sử dụng đất tại bốn quận lõi. Trong đó, đất giao thông tối thiểu là 18%, đất cây xanh cấp đô thị 3,5m2/người, đất cây xanh cấp đơn vị ở 0,5m2/người. Mỗi phường tối thiểu có một chợ, một trạm y tế, một phòng khám đa khoa.
Về hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông, các tuyến đường cấp nội bộ xây dựng mới phải bố trí vỉa hè tối thiểu rộng 4m để trồng cây xanh, bố trí lối đi riêng dành cho đường xe đạp, lối đi cho người tàn tật. Tại các quảng trường, nhà ga, bến bãi đỗ xe, tuyến phố đi bộ, trung tâm thương mại, công viên... phải bố trí các điểm lấy nước uống sạch tại vòi.
Các khu vực không quảng cáo gồm Quảng trường Ba Đình, Hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ, khu vực phố cổ, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trụ sở của các cơ quan. Khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí giao lộ, vòng xoay là những khu vực không quảng cáo.
Quảng trường 19/8 (nhà hát Lớn); quảng trường 1/5 (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô); các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (từ Hàng Bông đến Nguyễn Tri Phương); khu vực ngã 5 Cửa Nam; khu vực mặt tiền Ga Hà Nội; trên các hồ nước của thành phố; thân các cột đèn chiếu sáng đô thị là hhu vực hạn chế quảng cáo.
Mặt tiền ngôi nhà, biển quảng cáo không được sử dụng các vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70% hoặc sử dụng các vật liệu có độ phản quang cao chiếm diện tích lớn hơn 50% diện tích biển quảng cáo.
Về sử dụng vật liệu, trang trí mặt ngoài, mái công trình, thành phố yêu cầu không được sử dụng mái vẩy, mái tạm, các màu sắc vật liệu trang trí mặt ngoài công trình gây ảnh hưởng xấu tới thị giác và an toàn giao thông.
Trong các trường hợp đặc biệt xây dựng các công trình sử dụng vật liệu thô sơ, dễ gây cháy nổ phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý
Để bảo tồn cây xanh, Hà Nội quy định khi cải tạo xây dựng đô thị cũ và thiết kế quy hoạch đô thị mới cũng như quy hoạch xây dựng các điểm dân cư tại 4 quận lõi, cần nghiên cứu bảo tồn hoặc sử dụng hợp lý các khu cây xanh hiện có, đặc biệt với các cây cổ thụ có giá trị.
Các hè phố có kích thước mặt cắt ngang từ 3m trở lên cần xem xét bố trí dải bồn hoa tại vị trí tiếp giáp với lòng đường để tăng cường diện tích cây xanh, tạo cảnh quan và chống lấn chiếm vỉa hè...
Theo cơ quan soạn thảo, các nội dung quy chuẩn quy định bắt buộc các bên liên quan phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, tổng mặt bằng dự án đầu tư trên địa bàn bốn quận nói trên. Quy chuẩn có hiệu lực từ 10/4.