Chiều 27/10, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về kế hoạch xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng. Nhà máy sẽ được xây tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, tổng đầu tư dự kiến trên 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và huy động hợp pháp. Dự án được khởi công quý I/2016 và hoàn thành vào cuối năm 2020.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, dự án sẽ cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, gồm: đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng. Công nghệ xử lý nước thô được đề xuất là: Sơ lắng cặn thô - keo tụ - trộn phản ứng - lắng ngang - lọc nhanh - lọc hữu cơ (than hoạt tính) - khử trùng - bể chứa nước sạch. “Đây là quy trình công nghệ xử lý nước truyền thống với dây truyền sản xuất hiện đại, công nghệ ổn định, tin cậy và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục. Nước sản xuất sẽ đạt quy chuẩn quốc gia”, bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng nói.
Về chất liệu đường ống, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, sẽ dùng đường ống bằng gang dẻo, chỉ chôn đủ tải (1,5 m) chứ không phải chôn sâu 6 m như đường nước sông Đà nên “khi vỡ ống chữa rất nhanh”. Lãnh đạo ngành xây dựng Hà Nội khẳng định mọi thiết kế sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt rất chặt chẽ từ khâu đào hố, nghiệm thu...
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc khai thác nước ngầm tại Hà Nội được dự báo đã “tới hạn” của cả 3 tiêu chí là ô nhiễm, cạn kiện và sụt lút. Do vậy, thành phố đã và đang lên kế hoạch tăng cường khai thác nước mặt thay thế nước ngầm.
Hiện nay trong tổng số 900.000 m3 nước sạch/ngày đêm cung cấp cho toàn thành phố thì nước ngầm là 600.000 m3, nước mặt là 300.000 m3. Tới đây, Hà Nội sẽ dần dần nâng mức nước mặt lên đến 600.000 m3 và giảm việc khai thác nước ngầm xuống với tỷ lệ tương ứng.
Trước đó đường ống nước sông Đà, nguồn cung cấp nước chính cho nhiều quận Hà Nội, đã vỡ 15 lần khiến 70.000 nghìn dân lao đao. Các bệnh viện cũng bị xáo trộn do thiếu nước. Thành phố đã phải triển khai nhiều nhiều giải pháp, như ngày 7/10 khởi công tuyến ống cấp nước sông Đà số 2.
Võ Hải