Sáng 1/12, Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc trực tiếp kết hợp trực tuyến với cử tri huyện Sóc Sơn, Mê Linh sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.
Đề cập các nhiệm vụ trọng tâm đang triển khai, ông Thanh cho hay thành phố đồng thời xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (quy hoạch 1259).
"Các nhà thầu đang xây dựng quy hoạch công phu, bài bản và rất hiện đại", ông nói và cho biết thành phố đã xin được khoản tài trợ 3 triệu USD (khoảng 72 tỷ đồng) để mua toàn bộ ý tưởng về phát triển của công ty tư vấn hàng đầu thế giới và rất am hiểu về Việt Nam.
Thành phố đã lấy ý kiến, tham vấn các nhân sĩ, trí thức trong nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo và kết hợp ý tưởng của "mấy ông Tây" để xây dựng, hoàn thiện đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên, ông Thanh không nói cụ thể về đơn vị tư vấn nước ngoài cũng như những ý tưởng đó là gì.
Đây là lần đầu tiên thông tin việc mua ý tưởng phát triển Thủ đô được thông tin rộng rãi. Trước đó hôm 31/10, ông Thanh chủ trì cuộc họp với các bên liên quan nghe kết quả nghiên cứu "Thành phố Hà Nội: Ý tưởng đột phá và chiến lược" sau hơn 2 tháng triển khai.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, các đơn vị đã đưa ra sáu ý tưởng đột phá giúp Hà Nội có thể đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 2045. Đó là văn hóa và di sản; đô thị xanh và bền vững; sức hút đầu tư; kinh tế số/xã hội số; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; môi trường đáng sống.
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023, Chủ tịch Hà Nội cho biết dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 6,2%; thu ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng - an ninh đều được bảo đảm và có kết quả tích cực.
Một trong những điểm sáng trong năm được lãnh đạo thành phố chỉ ra là ban hành và thưc hiện đề án phân cấp. UBND thành phố đã phân cấp cho các quận huyện 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với 708 thủ tục hành chính.
"Trong quá trình thực hiện, thành phố rút ra hai bài học. Một là thấy đúng thì phải quyết tâm làm. Hai là làm thì phải quyết liệt", Chủ tịch Hà Nội nói và thêm rằng khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì công việc được sát sao hơn.
Võ Hải