Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, chiều 23/10 đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ gồm 6 thành viên đã về Sóc Sơn (Hà Nội) làm việc để nắm rõ câu chuyện 184 giáo viên mầm non bị cắt hợp đồng lao động. Tham dự buổi làm việc có đại diện Sở Nội vụ, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút khẳng định việc cắt hợp đồng đối với giáo viên mầm non thực hiện đúng quy định. Cụ thể, năm 2012, huyện giao cho hiệu trưởng nhà trường ký hợp đồng lao động với 260 giáo viên mầm non, yêu cầu giáo viên phải tham gia kỳ tuyển dụng gần nhất, nếu không trúng tuyển hoặc không tham gia thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Năm 2012, huyện có 743 giáo viên mầm non diện lao động hợp đồng.
Năm 2013, huyện Sóc Sơn tổ chức tuyển dụng 250 chỉ tiêu giáo viên, nhưng có đến hơn 180 trường hợp được xét tuyển đặc cách nên số tiêu chuẩn tuyển dụng còn lại bị co hẹp, điều kiện tham gia tuyển dụng là thí sinh phải tốt nghiệp loại khá trở lên. Vì vậy, sau kỳ tuyển dụng này, cả huyện còn 535 giáo viên hợp đồng, vượt quá con số thành phố Hà Nội giao cho huyện Sóc Sơn.
Năm 2014 nhằm tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng, Sóc Sơn báo cáo lên thành phố xin tuyển dụng 550 chỉ tiêu, sau kỳ thi tuyển dụng này có 184 giáo viên hợp đồng không trúng tuyển. "Do sau khi tuyển dụng về cơ bản biên chế đã đủ nên huyện bắt buộc chấm dứt hợp đồng với 184 người này. Huyện đã có 2 buổi làm việc với các giáo viên và giao các phòng chức năng phải quan tâm đảm bảo quyền lợi, chế độ của họ", ông Bút nói.
Năm 2015, do một số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu nên Sóc Sơn tiếp tục tuyển dụng 50 chỉ tiêu, 184 giáo viên không trúng tuyển ở kỳ thi năm trước được tham dự kỳ thi để trở thành viên chức giáo dục.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn. |
Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo giải trình của lãnh đạo Sóc Sơn, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, huyện đã thực hiện tuyển dụng theo đúng thẩm quyền phân cấp và hướng dẫn của Sở Nội vụ, tổ chức thi tuyển theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc ký kết hợp đồng làm việc được thực hiện theo nhu cầu của người đã trúng tuyển. Khi không còn nhu cầu tuyển, các cơ quan có quyền chấm dứt. Đây là việc bình thường. "Hiện nay, một số người vẫn còn tư duy là đã ký rồi là không được phép chấm dứt. Chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế mà cứ giữ cách tư duy như vậy thì không thể thực hiện được mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Tuấn nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, bên cạnh cái lý thì cũng cần có cái tình. Dù Sóc Sơn làm không sai quy định nhưng ông yêu cầu UBND huyện phải tổ chức một cuộc họp lắng nghe nguyện vọng của 184 giáo viên để đảm bảo dân chủ, qua đó đảm bảo quyền lợi cũng như tạo cơ hội giải quyết việc làm cho họ.
"Khi tổ chức tuyển dụng ở các đợt tiếp theo, huyện nên quan tâm đến đội ngũ giáo viên hợp đồng để tận dụng năng lực, kinh nghiệm của họ. Nếu họ trúng tuyển thì cần quan tâm đến chế độ chính sách để đảm bảo quyền lợi vì đã có thâm niên", Thứ trưởng Tuấn đề nghị.
Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng gặp gỡ một số giáo viên bị cắt hợp đồng. "Nếu có tiêu cực trong tuyển dụng hay chạy viên chức mà có bằng chứng thì các cô gửi trực tiếp về Bộ Nội vụ. Bộ sẵn sàng làm việc với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan nhằm làm sáng tỏ vấn đề, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm", ông Tuấn nói và cho biết Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục làm việc với Hà Nội để giải quyết vấn đề tận gốc.
Trước đó, 184 giáo viên Sóc Sơn bị cắt hợp đồng đã có đơn kêu cứu cho rằng là nạn nhân của đường dây chạy việc. Cách đây gần 3 năm, họ nhận được Quyết định số 7561 của UBND huyện Sóc Sơn vào làm việc tại các trường mầm non trong huyện. Trong đó có điều khoản giáo viên phải tham gia một kỳ thi tuyển gần nhất tại đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng, nếu thi không đỗ hoặc không tham gia thi thì sẽ bị cắt hợp đồng. Năm học 2013-2014 huyện có một kỳ thi viên chức nhưng chỉ cho những giáo viên có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi thi. Một số giáo viên tham gia kỳ thi đó, không đỗ vẫn tiếp tục được công tác tại đơn vị cũ; số khác không đủ điều kiện để thi vẫn không bị cắt hợp đồng.
Vẫn theo phản ánh, năm 2014, huyện lại tổ chức thi viên chức và 184 người này đều được dự thi nhưng không đỗ, song vẫn được giữ lại công tác đến hết năm học 2014-2015. Bất ngờ ngày 13/12/2014, họ nhận được thông báo của Phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn giao cho Hiệu trưởng các trường thanh lý với các giáo viên đang làm hợp đồng, sau đó gia hạn với những giáo viên này và ký thêm hợp đồng làm việc 6 tháng từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2015.
Hoàng Thuỳ - Võ Hải