Từng là đại biểu HĐND Hà Nội và nhiều lần chất vấn lãnh đạo thành phố về quy hoạch thủ đô, PGS. TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, đại biểu Quốc hội, ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường) chia sẻ với báo chí về công tác cứu hỏa sau vụ cháy xe tiếp xăng chiều 3/6.
- Từ vụ cháy nổ ở cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo, bà đánh giá như thế nào về nguy cơ các vụ việc tương tự khi có rất nhiều trạm xăng nằm xen lẫn trong khu vực dân cư?
- Thực sự mà nói Hà Nội đang đối mặt với thực trạng là quy hoạch cũ giờ không thể thay đổi được. Dân cư ngày càng đông, trong đó có cả dân sẵn có của thành phố cũng như dân vãng lai. Trước hết, quy hoạch đó không thể cải tạo và chưa thể cải tạo được. Chính vì thế, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến các lĩnh vực khác, làm cho hoạt động của nhiều ngành trở nên bất cập.
- Qua vụ này có thể thấy trách nhiệm cũng như vai trò của chính quyền trong việc phòng ngừa tai nạn cháy nổ như thế nào khi rõ ràng các trạm xăng hiển hiện những nguy cơ bị khu dân cư lấn chiếm, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy?
- Thực ra mà nói thì đúng là có trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại trong việc giám sát, kiểm soát thường xuyên để nhắc nhở các đơn vị kinh doanh. Ở đây có nhiều vấn đề. Người trực tiếp làm rất sơ suất khi đáng ra phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật như trạm xăng thế nào, hầm ngầm, cấm lửa ra làm sao, khoảng cách an toàn phòng cháy như yêu cầu nhà dân phải cách trạm xăng tối thiểu bao xa.
Vì chuyện thực trạng của Hà Nội như thế nên khó nhưng có điều phải tăng cường kiểm tra kiểm soát thường xuyên, giáo dục ý thức cho những người trực tiếp kinh doanh xăng dầu cũng như cấp trên của họ.
Bà Bùi Thị An. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Theo thống kê, Hà Nội có đến 500 cây xăng, điểm bán lẻ xăng dầu mà đều ở gần hoặc nằm trong các khu vực đông dân cư. Việc này phải xử lý thế nào?
- Đây là bài toán khó giải vì mật độ dân cư nội thành rất đông nên nhu cầu xăng dầu cũng hết sức cần thiết. Nếu bây giờ theo quy hoạch đưa các cây xăng ra ngoài thì lại không đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân. Giải bài toán như thế nào là vấn đề đặt ra với chính quyền thành phố và cả người dân. Cần có sự chia sẻ của cả cộng đồng, tức là nếu có đi xa cũng phải chấp nhận vì nếu vừa muốn an toàn vừa muốn thuận tiện thì rất khó. Tới đây, theo tôi thành phố cần có biện pháp cứng rắn để giải quyết việc này.
- Không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố khác đều có hiện tượng tương tự trong khi các vụ hỏa hoạn ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng lớn, thậm chí có vụ số lượng thương vong lớn. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đặt vấn đề giám sát việc thực hiện pháp luật phòng chống cháy nổ ra sao?
- Hiện giờ chuyên đề giám sát cháy nổ chưa được thực hiện. An toàn cháy nổ không chỉ liên quan đến vấn đề tài sản mà còn là chuyện rất nghiêm trọng, liên quan đến tính mạng con người. Tới đây, nếu bức xúc quá chúng tôi sẽ nêu ra và đề xuất Ủy ban báo cáo Quốc hội và đi giám sát về vấn đề này.
- Qua thông tin, hình ảnh về quá trình xử lý cháy nổ, bà nghĩ gì về trang thiết bị của lực lượng chữa cháy?
- Qua theo dõi hoạt động xử lý cháy nổ vừa qua thì thấy cơ quan có trách nhiệm đã rất nỗ lực, có mặt tại hiện trường rất nhanh. Ngoài các cơ quan có trách nhiệm thì cộng đồng, dân cư cũng tham gia tích cực. Có điều cũng phải nói là hoạt động chưa có trọng tâm vì trang thiết bị để chữa cháy phải hiện đại hơn nữa, nhanh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu tốt hơn nữa. Cũng chính vì việc đầu tư của chúng ta có hạn nên việc chữa cháy ngày hôm qua bị kéo dài như vậy. Nhưng tôi nghĩ tới đây không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương cũng phải tập trung vào việc này vì ở Việt Nam có đặc thù là trong vùng khí hậu nhiệt đới, có thời gian trong năm độ ẩm không khí rất thấp, nguy cơ cháy cao.
- Bà nghĩ gì trước nhiều ý kiến lo ngại của người dân về chuyên môn của lực lượng PCCC?
- Thực ra mà nói năng lực luôn cần được nâng cao vì khi công nghiệp hóa, tình huống cháy nổ sẽ không giống những tình huống cách đây một hai chục năm trong bối cảnh nông thôn, nông dân còn nhiều, mức độ đô thị hóa chưa lớn. Cho nên việc nâng cao trách nhiệm phòng cháy chữa cháy cần thường xuyên, phù hợp với tốc độ hiện đại hóa, đô thị hóa. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao trình độ của lực lượng để đáp ứng được tất cả các tình huống. Như tình huống hôm qua rất khó khi khu vực cháy trên đường phố, tiếp giáp khu dân cư, rất gần bệnh viện. Chuyện đó cũng đặt các lực lượng chuyên môn vào tình huống khó xử.
Phải nói cháy nổ vẫn xảy ra khá thường xuyên nhưng cháy xăng dầu mà lại cháy lớn như vụ hôm qua thì ít khi xảy ra. Vậy cho nên tình thế ứng phó với tai nạn cháy xăng dầu cũng cần đặt ra. Lực lượng PCCC cần tiếp tục nâng cao trình độ.
Nguyễn Hưng ghi