Ngày 11/3, đại tá Chu Xuân Thọ (Giám thị Trại tạm giam số 1) cho biết sau theo dõi sức khoẻ 14 ngày như khuyến cáo của Bộ Y tế, những người này mới được chuyển vào khu vực giam giữ chung. Suốt 26 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên trại "áp dụng biện pháp đặc biệt" này.
Cán bộ, chiến sĩ của trại cũng như những người đến làm việc phải tuân thủ yêu cầu về phòng Covid-19 như rửa tay sát trùng, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Các buồng giam thường xuyên được phun khử trùng.
Trại cũng dừng việc đến thăm và gửi đồ tiếp tế cho người bị bắt. Với trường hợp đặc biệt, người nhà can phạm phải đeo khẩu trang và sử dụng các biện pháp phòng tránh dịch.
Từ đêm 6/3, khi xuất hiện "bệnh nhân 17" ở Hà Nội, trại đã yêu cầu cán bộ không được đi lễ hội, đến những nơi đông người và đặc biệt không được nghỉ phép, nghỉ bù trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ví "chống dịch như chống giặc", đại tá Thọ cho hay các cán bộ của trại được yêu cầu trực gấp đôi thời gian bình thường. Tại các cổng ra vào, cán bộ y tế túc trực 24/24h.
Như Hà Nội, trại tạm giam Cầu Cao (Thanh Hóa) thực hiện khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe với cá nhân, đơn vị đến liên hệ công tác. Người bị tạm giữ, tạm giam mới chuyển đến sẽ phải cách ly. Nhà tạm giữ, tạm giam ở các huyện khi phát hiện can phạm có nghi vấn về sức khỏe không được chuyển về trại của Công an tỉnh mà thực hiện cách ly tại chỗ nhằm tránh nguy cơ lây lan.
Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, các cơ sở giam giữ đều hạn chế việc thăm nuôi, gặp mặt và gửi quà. Toàn bộ trại tạm giam, nhà tạm giữ được khử trùng. Những trường hợp đặc biệt khi đến thăm, gặp phải khai báo y tế, kiểm tra sức khoẻ.
Nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra, phát khẩu trang, nước rửa tay và thuốc tăng sức đề kháng cho người bị tạm giam, tạm giữ. Ai có biểu hiện sốt, ho sẽ được đưa đi cách ly.
Phạm Dự - Lê Hoàng