![]() |
Chị Hạnh (giữa), con trai Bảo Vinh và người thân tại buổi trao tặng huân chương. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Giống như Joséphine Baker, tôi có hai tình yêu: đất nước tôi và nước Pháp”, nữ giáo sư môn sinh hóa tâm sự. Người ta hiểu những gì chị nói là thật, rất thật vì nó được thể hiện bằng công việc rất hiệu quả. Chị Hạnh được nhận huân chương từ thành quả hoạt động của Hội Zebunet, đứa con tinh thần của chị và người bạn đồng hành Gérard Feldzer.
Tín dụng nhỏ cho nông dân
Từ những năm 1980 khi trở về quê nhà Tiền Giang, chị đã nung nấu nguyện vọng giúp đỡ nông dân nghèo. Thời đó chị từng bỏ tiền túi cho vài người hàng xóm vay để làm kinh tế. Nhờ cơ may, chị gặp Gérard Feldzer, người bạn đồng hành của chị hiện nay. Vị cựu cơ trưởng Air France này là người tích cực đấu tranh bảo vệ môi trường. Khi gặp chị Hạnh, ông Feldzer đã có một tổ chức tín dụng nhỏ ở Madagascar. Họ quyết định cùng nhau thành lập Zebunet và thực hiện dự án đầu tiên ở đất nước đã sinh ra Hà Ngọc Hạnh.
Hội Zebunet ra đời năm 2001. Zebu là tên loài bò bướu chỉ có ở những nước phía Nam. Tổ chức này lấy tên Zebunet là mang ý nghĩa tượng trưng cho nghề chăn nuôi ở những nước đang phát triển. Nguyên tắc hoạt động của hội là một người ở phía Bắc giúp đỡ một người ở phía Nam bằng cách cho vay vốn để chăn nuôi. Zebunet huy động các “nhà đầu tư” bên Pháp để giúp đỡ các hộ nghèo ở Việt Nam, Nigeria, Mauritanie, Madagascar và Bangladesh. Mỗi “nhà đầu tư” bỏ tiền mua một con bò, con heo hoặc con dê cho một hộ nông dân phía Nam. “Nhà đầu tư” được quyền đặt tên cho con vật và sẽ nhận được chứng chỉ.
“Nền Cộng hòa ghi nhận đóng góp của chị vào sự hợp tác phát triển với các nước phía Nam. Sự cam kết của chị nhằm xóa bỏ sự bấp bênh cho người nghèo và những thành quả chị đạt được đã biến chị thành một người con đáng tự hào của nền Cộng hòa Pháp”. (Diễn văn của Ngoại trưởng Pháp Philippe Doust-Blazy) |
Ý tưởng này được ủng hộ rộng rãi bên Pháp. Rất nhiều người muốn tham gia vì họ nhìn thấy cụ thể sản phẩm mà họ đầu tư. Họ đặt cho con vật của mình những cái tên ngộ nghĩnh như Venus, MissFrance, hay cũng có cái tên hơi “chính trị” như Jean-Louis Debré (tên chủ tịch Quốc hội Pháp) hoặc cũng có ba con dê mang tên Ségo, Lène và Royal (gộp lại thành tên nữ ứng viên tổng thống Ségolène Royal).
“Vấn đề tìm nguồn tài chính bên này chúng tôi không lo. Chúng tôi có rất nhiều vốn”, chị Hạnh khẳng định. “Cái khó với chúng tôi là tìm ra đối tác ở địa phương. Không biết tại sao với các nước khác, chúng tôi tìm được đối tác rất dễ dàng mà ở Việt Nam thì khó thế?”, chị Hạnh băn khoăn. “Đất miền trung Việt Nam rất thích hợp với chăn nuôi. Mà dân ở đây lại nghèo. Tôi rất muốn làm ở khu vực này mà chưa tìm ra đối tác”.
Dự án đầu tiên của Zebunet là dự án nuôi lợn ở tỉnh Phú Thọ. Sau đó hội đã mở rộng địa bàn sang tỉnh Bình Thuận và tỉnh Phú Yên. 700 hộ dân ở ba tỉnh nói trên đã nhận được khoản tín dụng nhỏ này. Tổng cộng ở 5 nước, Zebunet đang hỗ trợ trên 1.200 hộ gia đình. “Chúng tôi không chỉ cho họ cái cần câu, mà còn giúp họ kỹ thuật câu”, chị Hạnh nhấn mạnh. Nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc súc vật được tổ chức để giúp người nông dân vững vàng hơn trong hoạt động này.
Hiện nay, chị Hạnh và các tình nguyện viên khác đang lên một dự án mang tính giáo dục. Chị có ý định đưa Zebunet vào trường học. “Mỗi em trong lớp đóng góp khoảng 2-3 euro để mua một con vật. Thông qua hoạt động này các em có thể mở mang kiến thức một cách thú vị. Các em sẽ tìm hiểu về đất nước nơi con vật của các em sinh sống, sẽ biết về điều kiện khí hậu, kinh tế, chính trị, lịch sử của đất nước đó”, chị Hạnh chia sẻ hào hứng.
Góc quê hương trong lòng
Dù giờ đây đã trở thành một người phụ nữ thành đạt ở một nước phương Tây, chị Hạnh vẫn không mất đi nét giản dị của một cô gái Tiền Giang. Chị thường xuyên kể chuyện về Việt Nam cho cậu con trai duy nhất Bảo Vinh. Những bài hát của Trịnh Công Sơn và những khúc nhạc thời tiền chiến vẫn luôn có chỗ trong đời sống tinh thần của người con gái đồng bằng sông Cửu Long này. Xa quê đã hơn 30 năm, mà mỗi lần ngửi thấy mùi mắm là lòng dạ chị vẫn cồn cào nhớ.
“Tôi về Việt Nam không ai biết tôi là Việt kiều đâu", chị Hạnh kiêu hãnh khoe. "Tôi toàn mặc quần lụa áo bà ba như người ở quê à, vẫn ngồi vỉa hè ăn mì, ăn hột vịt lộn ở chợ Sài Gòn đó. Vẫn ăn hột vịt lộn là rất Việt Nam đó. Ở bên Pháp, hình dung con vịt nhỏ xíu lông lá trong vỏ trứng là họ đã sởn da gà rồi!”.
Là con út trong một gia đình trí thức có 8 người con đều thành đạt, chị Hạnh khi còn trẻ đã từng ước mơ trở thành tiếp viên hàng không, bởi chị luôn say mê khám phá bầu trời, khám phá những vùng đất mới. Giấc mơ thuở thiếu thời không thực hiện được, nhưng Zebunet sẽ cùng chị đi chinh phục những miền đất mới xa xôi.
(Theo Tuổi Trẻ)