Hà Nam được coi là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc, nơi tọa lạc 4 kinh đô cổ xưa và chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một tỉnh nội địa kém phát triển, đồng thời mang tiếng khắp cả nước là khu vực đầy bê bối và gây ảnh hưởng tiêu cực. Những cư dân địa phương thường bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ.
Bất chấp điều đó, sau khi bị khu nghỉ dưỡng Zhejiang Xilaideng ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang từ chối tuyển dụng hồi tháng 7 chỉ vì tới từ Hà Nam, cử nhân luật Yan Jialin quyết định không tiếp tục chịu đựng sự phân biệt vùng miền và khởi kiện.
Đơn kiện của cô gái 23 tuổi được một tòa án chuyên giải quyết các tranh chấp trên mạng ở Hàng Châu tiếp nhận hồi tháng 8. Wang Xushan, luật sư của Yan, cho biết thân chủ nộp đơn xin việc vào hai vị trí tại khách sạn của Zhejiang Xilaideng qua trang web tuyển dụng zhaopin.com, nhưng bị loại chỉ sau một ngày vì quê quán của cô không phù hợp.
Yan cho biết lý do này mang tính lăng mạ và khiêu khích. Cô kiện khu nghỉ dưỡng vì xúc phạm người dân Hà Nam, cũng như vi phạm quyền xin việc bình đẳng của mình. Cử nhân luật này đòi khoản bồi thường 60.000 nhân dân tệ (khoảng 8.500 USD), đồng thời yêu cầu tòa án buộc Zhejiang Xilaideng đăng bài xin lỗi công khai trên ba tờ báo nhà nước trong 15 ngày liên tiếp.
Tòa án hôm 26/11 tuyên bố Yan thắng kiện và sẽ nhận được khoản bồi thường 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD), cùng lời xin lỗi trực tiếp từ Zhejiang Xilaideng cũng như bài viết xin lỗi đăng trên tờ Legal Daily.
Trong phiên tòa, Zhejiang Xilaideng đổ hết lỗi cho quản lý nhân sự của khách sạn, người đã lấy lý do quê quán để loại Yan. Tuy nhiên, các thẩm phán bác bỏ lời biện hộ của khu nghỉ dưỡng với lý do thiếu bằng chứng và hành động của họ đã tác động tiêu cực tới Yan.
"Hệ thống tuyển dụng nên được quy chuẩn hóa dựa trên luật pháp và các quy định nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử như vậy", một thẩm phán cho hay, nói thểm rằng quyền bình đẳng cơ hội việc làm là một trong những quyền cơ bản của công dân, được pháp luật bảo vệ.
Yan cho biết cô tạm hài lòng với phán quyết của tòa án, nhưng vẫn đang xem xét có nên nộp đơn kháng cáo hay không. Đây được coi là trường hợp đầu tiên một tòa án đứng ra giải quyết vấn đề liên quan tới phân biệt vùng miền ở Trung Quốc, giúp thu hút sự chú ý của công chúng về tình trạng này.
Phân biệt vùng miền là vấn nạn dai dẳng tại quốc gia có khoảng 1,4 tỷ người, bị chia rẽ bởi ngôn ngữ và tập quán địa phương bất chấp hàng thập kỷ di cư. Suốt nhiều năm, truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc vẫn lan truyền rộng rãi những câu chuyện về người dân Hà Nam, như việc ăn cắp nắp hố ga để bán phế liệu.
Hồi năm 2005, một văn phòng cảnh sát ở Thâm Quyến, thành phố giàu có phía nam, đã treo trên đường phố nhiều biểu ngữ cáo buộc nhóm người quê Hà Nam cấu kết với nhau để tống tiền và kêu gọi cư dân báo cáo về "những băng đảng Hà Nam" cho chính quyền. Hai luật sư người Hà Nam đã kiện văn phòng này vì tội lăng mạ, khiến cảnh sát Thâm Quyến phải công khai xin lỗi.
Năm ngoái, một quản lý tuyển dụng tại công ty video trực tuyến iQiyi đã hướng dẫn cấp dưới lọc hồ sơ của những ứng viên xin việc tới từ Hà Nam. Công ty sau đó phải xin lỗi do làn sóng phản đối dữ hội trên mạng, đồng thời sa thải nhân viên chịu trách nhiệm và mở một kênh khiếu nại về phân biệt đối xử trong tuyển dụng.
Victoria Wang, cô gái 29 tuổi người Hà Nam đang làm việc tại một công ty luật ở Bắc Kinh, cho biết cô hiếm khi bị phân biệt đối xử, nhưng nhận thấy tình trạng này xuất hiện rõ rệt hơn trong những công việc yêu cầu thấp. Khi tìm kiếm một người trông trẻ, Wang ngạc nhiên khi có người khuyên cô không nên thuê dân Hà Nam, nhưng cuối cùng cô vẫn tuyển một người chăm chỉ tới từ tỉnh này.
Vụ kiện ở Hàng Châu là trường hợp hiếm hoi cơ quan tư pháp tìm cách khắc phục những định kiến vùng miền ở Trung Quốc, một phần bởi nước này không có luật chống phân biệt đối xử rõ ràng, khiến người dân khó có thể khởi kiện dựa trên lý do này, Lu Jiefeng, phó giáo sư luật tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Bắc Kinh, giải thích.
Tuy nhiên, người dân gần đây đã phản kháng quyết liệt hơn, bằng cách sử dụng lý do phân biệt giới tính và xu hướng tính dục để nộp đơn kiện. Phó giáo sư Lu cho biết những trường hợp này thường nhận được hỗ trợ từ các luật sư phục vụ lợi ích cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, theo luật sư biện hộ cho Yan, số tiền bồi thường thắng kiện trong những vụ này thường nhỏ.
Zhang Yuan, giáo sư kinh tế tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho biết định kiến đối với người Hà Nam là một phần hệ quả của sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền ở Trung Quốc, khi hầu hết nguồn lực tập trung tại những thành phố lớn. Chuyên gia nói thêm rằng tại các thành phố giàu có hơn, những người di cư từ Hà Nam thường làm những công việc "hầu hạ" mà người dân địa phương không muốn.
"Những người không biết gì về Hà Nam không có quyền bôi nhọ quê hương vĩ đại của chúng ta. Tôi cảm thấy buồn và giận dữ khi biết tâm lý phân biệt đối xử tồn tại trên đất nước này", một người dùng Weibo bình luận về vụ kiện tại Hàng Châu của Yan.
Kevin Wu, nhân viên tại một công ty hóa chất ở Hàng Châu, tự châm biếm khi đề cập tới sự lố bịch của tình trạng phân biệt đối xử. "Tôi tới từ Hà Nam. Chúng tôi đều dối trá đó", anh nói đùa.
Ánh Ngọc (Theo WSJ, China Daily)