Những người khởi động chương trình, được gọi là “Mars One” (người sao Hỏa), cho biết họ hoàn toàn nghiêm túc với việc cho 4 phi hành gia bay lên sao hỏa vào năm 2023, bảy năm trước mục tiêu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, đồng thời họ có kế hoạch tìm kiếm người tình nguyện vào năm tới.
Trong khi các chuyên gia hoài nghi về vấn đề trên, "Mars One" đã giành được sự ủng hộ từ Gerard’t Hooft - người Hà Lan giành giải Nobel Vật lý năm 1999.
“Phản ứng đầu tiên của tôi là điều này sẽ không thể thực hiện được. Nhưng một cái nhìn sâu hơn về dự án đã thuyết phục tôi. Tôi thực sự nghĩ rằng điều đó có thể được", Gerard’t Hooft cho AFP biết.
Các nhà khoa học đặt câu hỏi phơi nhiễm phóng xạ liệu có thể cho phép con người sống sót sau chuyến đi này.
Các cơ quan không gian từ năm 1960 đã nỗ lực để hạ cánh những con tàu không người lái, nhưng chỉ một nửa trong số đó thành công, với vị thế dẫn đầu thuộc về Mỹ.
Mặc dù 6 nhiệm vụ đã được thực hiện với sao Hỏa - bao gồm cả tàu Curiosity của NASA hạ cánh ngày 5/8 để săn lùng những dấu hiệu của sự sống đã từng có trong quá khứ, các nhà khoa học vẫn không có cách nào để đưa những tàu vũ trụ quay trở lại.
Tuy nhiên, người đứng sau dự án “Mars One”, kỹ sư cơ khí Bas Lansdorp, 35 tuổi lại không cảm thấy vậy.
Anh ước tính phải mất đến 6 tỷ USD, nhiều hơn gấp hai lần so với số tiền 2,5 tỷ USD của Curiosity. Bas Lansdorp cho biết, ý tưởng tài chính đến sau cuộc trò chuyện với Paul Romer, một trong những nhà sáng tạo người Hà Lan của “Big Brother” - chương trình truyền hình thực tế đầu tiên vào năm 1999 kéo theo một loạt các phiên bản rất thành công tiếp theo trên thế giới.
“Kinh phí sẽ được thực hiện thông qua những hình ảnh mà phương tiện truyền thông đã xây dựng xung quanh cuộc phiêu lưu này”, Bas Lansdorp nói.
Đối với Lansdorp “chinh phục hành tinh đỏ là bước quan trọng nhất trong lịch sử của nhân loại", ngay cả khi anh thừa nhận rằng nhiều khía cạnh của “Mars One” vẫn chưa thật chắc chắn.
Những lời chỉ trích khác cho rằng “Mars One” có vẻ tập trung vào việc tiền tệ hóa - chứ không phải là tính khả thi của dự án.
Theo kế hoạch của Lansdorp, việc lựa chọn, đào tạo các phi hành gia, cuộc hành trình bên ngoài không gian của họ và cuộc sống của họ trên sao Hỏa sẽ được quay phim lại - giống như “Big Brothers” - nơi một nhóm nhỏ bị cô lập trong một ngôi nhà và liên tục được quay phim.
Mars One đưa con người tới sao Hỏa để sống, nhưng đó là chuyến bay một chiều. Ảnh: Fox News. |
Các kỹ sư Hà Lan, những người từng làm việc trong lĩnh vực năng lượng gió, đã hợp tác với một nhà vật lý, một nhà thiết kế công nghiệp và một chuyên gia truyền thông. Lansdorp cho biết, họ sẽ điều hành các hoạt động, các kỹ thuật như chế tạo con tàu vũ trụ, không gian sống trên sao Hỏa sẽ được thuê ngoài, với những công ty “đạt đủ tiêu chuẩn nhất.”
Anh thậm chí đã đưa ra một lịch trình. Lựa chọn và đào tạo phi hành gia sẽ được bắt đầu vào năm tới, tiếp đó là module cho trạm không gian, thực phẩm và xe robot sẽ được gửi đi trong khoảng từ năm 2016 đến 2022.
Nhóm đầu tiên, bao gồm 4 người, sẽ đặt chân lên sao Hỏa vào tháng 4/2023. Những người khác sẽ lần lượt tới cho đến khi có đủ 20 người sau một thập kỷ. Họ chủ yếu tiến hành các thí nghiệm khoa học, đặc biệt là tìm kiếm các dấu hiệu của cuộc sống, giống như Curiosity.
Trên một hành tinh với nhiệt độ trung bình âm 55 độ C, có bầu khí quyển chủ yếu là cacbon dioxide, Lansdorp nói rằng oxy sẽ được sản xuất từ nước được tìm thấy bên dưới bề mặt của sao Hỏa.
Theo Chris Welch, một kỹ sư tại Đại học Vũ trụ quốc tế của Pháp tại Strasbourg, việc tạo oxy theo cách này là “có thể theo lý thuyết,” nhưng không chắc chắn lắm.
Và “đưa con người lên sao Hỏa - tại sao không?”, ông nói. “Nhưng đưa bốn người đến đó và giữ họ sống sót là một điều khó khăn hơn nhiều.
“Từ quan điểm kỹ thuật, tôi muốn nói đó là 50-50 - song nó vẫn là một điều can đảm để ta thử”, Welch nói, ông cũng đặt câu hỏi liệu 6 tỷ USD có được tăng lên “thông qua truyền hình” hay không.
Tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Jorge Vago, một chuyên gia về dự án thăm dò sao Hỏa “ExoMars” nói rằng sự hỗn loạn trên hành tinh đỏ khiến người ta hầu như không thể hạ cánh hai tàu vũ trụ tại cùng một vị trí, theo như dự kiến của “Mars One”.
“Nếu các xe robot xây dựng các vị trí hạ cánh cách khoảng 100 km hay thậm chí 20 km thì vẫn là điều rất khó khăn”.
Ông cũng cho biết những vụ phun trào từ mặt trời đã giải phóng các ion hóa vật chất vào không gian có thể “đốt cháy” các phi hành gia và phá hỏng tàu của họ.
Kế hoạch trên nhận được sự ủng hộ của công ty mẹ của các công ty Hà Lan làm việc trong ngành công nghiệp không gian. Chủ tịch Gerard Blaauw của công ty gọi kế hoạch của Lansdorp là “một ý tưởng nhìn xa trông rộng, kết hợp truyền thông với hàng không vũ trụ”.
TTXVN