Ngân hàng Nhà nước vừa hạ trần lãi suất tối đa với tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng từ ngày 13/5. Loạt lãi suất điều hành cũng giảm 0,5%.
Đánh giá về lần giảm lãi suất thứ hai trong vòng hai tháng này, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, đây là động lực, đồng thời mang tính chất định hướng tạo điều kiện cho kinh tế dần hồi phục.
Trong văn bản điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng dẫn chứng việc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước đã cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Do đó, động thái của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các loại lãi suất điều hành (%) | Thời điểm có hiệu lực | ||
16/9/2019 | 17/3/2020 | 13/5/2020 | |
Lãi suất tái cấp vốn | 6,0 | 5,0 | 4,5 |
Lãi suất tái chiết khấu | 4,0 | 3,5 | 3,0 |
Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) | 4,0 | 3,5 | 3,0 |
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng | 0,8 | 0,5 | 0,2 |
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng | 5,0 | 4,75 | 4,25 |
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN | 6,0 | 5,5 | 5,0 |
Việc hạ lãi suất mới đây được kỳ vọng tác động đến nền kinh tế tích cực hơn đợt giảm vào tháng 3. Hàng loạt lãi suất đầu vào cho ngân hàng, đặc biệt lãi suất huy động tối đa kỳ hạn ngắn giảm mạnh giúp tiết kiệm đáng kể chi phí huy động. Đây là tiền đề cho các nhà băng hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn, cơ cấu lại các khoản nợ vay. Thanh khoản ngân hàng đã dồi dào nay lại càng dồi dào hơn.
Theo ông Khoa, quyết định sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi được tiếp cận nguồn vốn rẻ. "Điều này phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát", ông Khoa nói.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất mua kỳ hạn, tái chiết khấu và tái cấp vốn nhìn chung không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường dân cư. Ngoài việc được cơ cấu lại các khoản vay thì việc giảm lãi suất thêm 0,5% có thể không thúc đẩy nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp. Tín dụng đến trung tuần tháng này mới tăng 1,2% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước.
Mấu chốt vấn đề đến từ sự lo ngại về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và thế giới, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản...
Theo nhóm phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nếu nhu cầu đầu tư còn yếu thì lãi suất thấp doanh nghiệp cũng không vay. Ngân hàng lại rất cẩn trọng trong việc giải ngân do lo ngại nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt mục tiêu 14% mà cơ quan điều hành đặt ra. "Nếu thực hiện tốt hoạt động đầu tư công, chúng tôi ước tính tín dụng tăng khoảng 9-10%", chuyên gia này nói.
Lãi suất huy động trung hạn trong thời gian tới được các chuyên gia kỳ vọng tiếp tục xu hướng giảm, nhất là khi các ngân hàng thương mại phải tranh thủ cắt chi phí huy động để bù đắp cho thu nhập lãi cận biên (NIM) sụt giảm do tác động của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong đợt dịch. Xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng cũng rõ hơn trong thời gian tới nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu tín dụng doanh nghiệp còn yếu.
"Diễn biến thị trường trong và ngoài nước còn nhiều bất ổn khó lường. Ngân hàng Trung ương các nước duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp kỉ lục song song với nhiều giải pháp chính sách tiền tệ nới lỏng. Dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vì thế vẫn khá lớn", ông Ngô Đăng Khoa dự đoán.
Phương Đông