Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu thi đua đến hết năm 2022, toàn bộ cán bộ, Đảng viên... gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến hết năm 2025, có từ 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục; tích cực tham gia bài trừ trong gia đình, dòng họ.
Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức phong trào thi đua tập trung nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để kịp thời có các hướng giải quyết, nhất là những vấn đề nhạy cảm, vận động đồng bào không tin, không nghe những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, di cư tự do, mê tín dị đoan, theo đạo lạ, tà đạo...
Thông qua bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, hội viên hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, từng bước xỏa bỏ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần... Các hoạt động thúc đẩy kinh tế xã hội cũng được tỉnh chú trọng nhằm nâng cao dân trí cho người dân.
Ngoài ra, địa phương xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì các hoạt động lễ hội, thể thao truyền thống các dân tộc, tổ chức phát động cam kết bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu; xây dựng các mô hình điển hình của các dòng họ, địa phương trong thực hiện bài trừ hủ tục lạc hậu. Từ đó định kỳ đánh giá, nhân ra diện rộng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu để trục lợi...
Theo đại diện tỉnh, các giải pháp nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi gắn với cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân...