Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích tam giác mạch thuộc phạm vi bốn huyện gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX có chủ đề "Cao nguyên đá nở hoa". Lễ khai mạc dự kiến tổ chức tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn, gắn với chương trình đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III.
Để duy trì hoa tam giác mạch nở thường xuyên, đảm bảo thời gian hoa nở kéo dài từ trung tuần tháng 10 đến hết tháng 12, các địa phương đã chia thành các điểm trồng khác nhau. Hiện nay, diện tích tam giác mạch sinh trưởng, phát triển tốt. Một số điểm trồng trà sớm đã nở hoa, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách.
Bên cạnh đó, Hà Giang vẫn tiếp tục thúc đẩy bốn huyện vùng gia tăng hiệu quả trồng hoa. Các cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn người dân đẩy nhanh việc chăm sóc diện tích cây tam giác mạch đã trồng; thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây; hỗ trợ người dân trồng, thu vé tham quan chụp ảnh đảm bảo lợi ích đồng đều cho người dân trong cùng khu vực.
Ngoài các hoạt động chính, địa phương triển khai nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Các huyện vùng sẽ xây dựng nhiều điểm cho du khách ngắm hoa, trình diễn giao lưu văn nghệ dân gian và trò chơi truyền thống như hát dân ca, thổi sáo, múa khèn, đập bóng, đánh yến, đu quay...
Đồng Văn cũng thiết kế, tạo hình tại các điểm trồng hoa để đảm bảo mỹ quan. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã thành lập tổ tự quản để thống nhất quản lý và chăm sóc, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trật tự tại các điểm trồng hoa phục vụ du khách.
Trong khuôn khổ lễ hội, Đồng Văn triển khai nhiều không gian trưng bày hoa tam giác mạch tại các trục đường chính của huyện như trên tuyến phố đi bộ của Phố cổ Đồng Văn, sân quảng trường - nơi diễn ra lễ hội chính... Đồng thời, du khách có thể ngắm các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương.
Tham gia lễ hội, du khách cũng có cơ hội tham gia nhiều trải nghiệm mang đậm văn hóa dân tộc khác như dệt lanh, thêu tay trang phục truyền thống, chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc; ẩm thực hay các hoạt động gắn với đời sống của người dân cao nguyên đá như tẽ, xay, tung ngô vào quẩy tấu, địu ngô qua cầu...
Trần Kế