Sáng 12/1, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết trải qua cuộc chiến bảo vệ biên giới những năm 1979-1989, hệ thống bom mìn, vật nổ trên một số khu vực gần điểm cao chiến lược vẫn dày đặc. Tập trung nhiều nhất là dọc tuyến biên giới Việt - Trung, tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần và Hoàng Su Phì.
Tổng diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ đã rà phá được là hơn 12.230 ha, còn lại 77.900 ha cần làm sạch, trong đó khoảng 7.500 ha có mật độ vật nổ dày đặc. Hiện lực lượng chuyên môn tập trung rà phá khoảng 1.000 ha tại các xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên và hai xã của huyện Quản Bạ. "Địa bàn chủ yếu núi đá, đất phục vụ canh tác ít, cần làm sạch nhanh và sớm để người dân yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ và giữ vững biên cương", ông Quý nói.
Bà Phạm Thị Tân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang, dẫn thống kế toàn tỉnh có 230 người chết, 395 người bị mất một phần cơ thể do bom mìn. Thời gian qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã giúp nạn nhân 105 con bò giống sinh sản, trợ giúp lắp chân giả cho 51 người, tặng trên 200 suất quà mỗi năm. Một số huyện như Mèo Vạc, Vị Xuyên, Đồng Văn đã chi thêm kinh phí làm chuồng, tập huấn chăn nuôi cho các hộ dân.
Là một trong số nạn nhân được nhận bò giống năm 2018, ông Nông Đình Dũng ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, khoe đến nay số bò đã tăng lên 4. Tiền bán bò giúp người ông có thêm khoản lo cho con út học hành, tích cóp mua thêm bò mới gây đàn sinh sản.
Năm 1990, cả gia đình ông Dũng từ nơi sơ tán ở Bắc Mê về xã Thanh Thủy. Đất đai chỉ còn lau sậy, núi đá bị đạn pháo cày xới bạc trắng. Ông Dũng dựng nhà, vỡ từng mảnh đất làm nương. Năm 2005, trên đường lên nương, ông đạp phải mìn tại vị trí cách cao điểm 233 vài cây số. Người làng cấp tốc đưa ông đi bệnh viện tỉnh, nhưng không giữ được bàn chân phải. Cuộc sống đảo lộn, có lúc ông bế tắc khi mất một phần thân thể trong khi bốn đứa con đang tuổi lớn.
Hai năm sau tai nạn, ông Dũng được lắp chân giả và có thêm khoản trợ cấp cho người khuyết tật. Bỏ luôn mảnh nương gần điểm cao biên giới, giờ ông chỉ "ước mong bom mìn được rà phá hết còn yên tâm làm ăn, dân đi rừng đi nương không phải lo ngay ngáy".
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc đưa quân tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân.
Nhưng nhiều nơi trên toàn tuyến biên giới phía Bắc chưa thể thoát khỏi cuộc chiến. Tại Hà Giang, chiến sự tiếp diễn khốc liệt suốt 10 năm sau đó. Riêng mảnh đất Vị Xuyên hứng chịu khoảng 2 triệu quả đạn pháo.
Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên từng tổng kết, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội Việt Nam trực tiếp tham chiến, hơn 4.000 bộ đội hy sinh. Đến nay, khoảng một nửa số liệt sĩ chưa thể về quê mẹ.
Hoàng Phương