Thứ hai, 8/11/2021, 05:08 (GMT+7)

Gương mặt trẻ thơ sau làn khói thuốc phiện

Điện BiênTuổi thơ ám mùi thuốc phiện, thiếu vắng mẹ cha vì tù tội, nhiều đứa trẻ vùng biên lớn lên với hai lựa chọn: bỏ học làm nương, hoặc vượt biên lấy chồng.

Một sớm cuối tháng 6/2019, Lỳ Xè Mé quấn lại tóc, đeo gùi, bước khỏi căn nhà trình tường, mái rạ trên đỉnh núi cao nhất của bản Tả Kố Ki. Thằng con út dụi mắt chạy theo hỏi mẹ đi đâu. "Mẹ sang bên kia đi chợ, tí về".

Chuyến đi chợ của người đàn bà Hà Nhì, hoá ra, kéo dài tận hai năm.

Mé cầm theo hai triệu đồng, cũng là tất cả của nả trong nhà, xé rừng đi bộ một ngày sang Lào mua thuốc phiện. Vừa đặt chân về lại đất ta thì bộ đội biên phòng bắt được.

Mẹ con chị Mé trước cửa nhà ở bản Tả Kố Ki.

Chồng Mé nghiện thuốc phiện đã hàng chục năm. Từ ngày mang thêm bệnh ung thư gan, thứ thuốc cấm không chỉ để thỏa mãn mỗi khi lên cơn còn giúp chồng chị quên đau. Ba đứa con Mé có thể ăn cơm trắng 10 ngày, nhưng chồng không thể một ngày thiếu thuốc. Những chuyến "đi chợ" của Mé, vì thế, đã quen thuộc với chị như chuyện đi nương.

Mé bị phạt 20 tháng tù vì tàng trữ trái phép 143 gram thuốc phiện. Phiên toà của Mé, như nhiều phiên tương tự ở Toà án huyện Mường Nhé, có thêm một người phiên dịch vì chị không nói được tiếng phổ thông.

Năm 2019, ở Điện Biên, cứ 15 tiếng đồng hồ lại có một vụ bắt giữ ma tuý, đa số là người dân tộc thiểu số. Báo cáo cùng năm của Uỷ ban dân tộc, cho biết tỉnh này có tỷ lệ người dân tộc thiểu số nghiện ma túy gấp 5 lần trung bình cả nước. Trong gần 10.000 người nghiện ma tuý của tỉnh, 41% là người Thái, 29% là người Mông.

Các tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ người nghiện cao như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh nghèo nhất, đa số đều là là các tỉnh biên giới phía bắc. Mường Nhé, huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo nhất nước, cứ 10 hộ thì có 6 hộ nghèo.

Trong khi thuốc phiện đưa Mé vào tù, đồng thời cũng đẩy những đứa con của chị khỏi nơi chốn bình yên cuối cùng: Trường học.

Đã hai ngày kể từ khi Mé vắng nhà, Vù Gó Trừ không có ai nấu cơm cho ăn, trong bếp không có gạo, nửa quả bí già mẹ để lại từ bữa trước nằm lăn lóc trong bếp. Anh trai, chị gái đều đang trên nương, ông bố 60 tuổi vẫn nằm co trong buồng vì đau và thèm thuốc.

"Mẹ sắp về chưa bố?"

"Không biết"

Sau ba cuộc đối thoại giống nhau, thằng bé 9 tuổi ôm bát chạy sang nhà hàng xóm xin được lưng cơm. Trừ đặt ở đầu giường cho bố, rồi ôm cặp xuống trường.

Như phần lớn trường dân tộc bán trú, Tiểu học Sín Thầu níu chân học trò bằng những bữa cơm "có cái gắp". Học sinh ăn ngủ ba bữa ở trường từ thứ 2 đến chiều thứ 6. Trở lại trường vào ngày chủ nhật, trẻ con nhà khá giả được phụ huynh đèo xe máy, hái cho mớ rau, bó củi góp vào bếp của trường.

Cậu bé Trừ thường xuống trường tay không. Ngay cả hồi mẹ còn ở nhà, bữa nào nhà Trừ cũng chỉ có cơm trắng, chan với nước chè Hà Nhì. Tiền bán gà, bán rau, tiền công trồng rừng đều để mua thuốc phiện cho bố.

Vù Gó Trừ, học sinh dân tộc Hà Nhì tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Nỗ lực tìm mẹ của Trừ kéo dài thêm vài tuần. Cậu bé không dám hỏi thêm cha. Sau nhiều năm, Trừ nhận ra những lúc bố lên cơn vật thuốc thì không nên lại gần, dễ bị mắng chửi.

Mười ba nóc nhà của bản Tả Kố Ki nằm lẫn trong những bụi dã quỳ trùm kín con đường đất lầy lội. Họ đều là người Hà Nhì, có quan hệ họ hàng, không mang họ Vù thì họ Lỳ. Tất cả những người này đều không biết chị Mé đang ở đâu, hoặc biết nhưng không thể nói cho Trừ.

"Anh biết mẹ ở đâu không?", đáp lại câu hỏi dai dẳng của em, tối ấy, anh trai Trừ, học lớp 9, chỉ xoay người, nằm quay mặt vào vách tường, nói nhanh: "Bố bảo tao nghỉ học làm nương. Mai mày cứ xuống trường, không phải đợi".

Vắng mẹ, Trừ không còn háo hức đợi những chiều thứ 6 để về nhà như mọi khi. Trước ngày Mé đi, chị tháo cái khăn vấn đầu vắt trên dây phơi ngoài bếp. Mỗi lần đi bộ về nhà, Trừ đứng lại từ xa nhìn cái dây phơi. Nó chỉ mong cái khăn không còn ở đấy, nghĩa là mẹ đã về.

Lâu dần, thằng bé cũng đã quen được với suy nghĩ mẹ sẽ không về, cũng dần quen với sự vắng mặt của anh trai. Từ ngày anh chuyển hẳn lên nương ở, chị gái đi lấy chồng, mối liên hệ gia đình duy nhất còn lại mỗi lần về nhà chỉ còn lại cha.

Trên bức tường đất gian giữa nhà Trừ, vẫn treo 2 cái giấy khen tặng trưởng bản Vù Vù Sinh vì thành tích phòng chống cháy rừng. Nhưng đó là 5 năm trước. Ông Sinh từ ngày vắng vợ, không có thuốc phiện hút, hầu như chỉ nằm đắp chăn một chỗ, liêu xiêu trong cơn đói thuốc và đợi họ hàng cho gì ăn nấy.

Tối 16/11 năm trước, anh trai Trừ bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà ăn bán trú của trường THCS Sín Thầu để đón em về. Người dân cả bản Tả Kố Ki đã tụ lại ở nhà Trừ. Ông Vù Vù Sinh chỉ kịp đưa tay ra sờ mặt cậu con út lần cuối rồi trút hơi thở cuối cùng.

Mất cả bố lẫn mẹ trong chưa đầy hai năm, ngoài nỗi buồn, cậu bé Trừ cũng mơ hồ một nỗi sợ. Lúc mẹ đi, anh trai phải nghỉ học. Liệu giờ bố mất, Trừ có tiếp tục được đến trường?

Mười hai năm trước, Chang A Minh theo bố mẹ từ xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa về Mường Nhé. Bán ruộng, bỏ nhà, áo quần để vợ con mang, nhưng riêng cái ống điếu hút thuốc phiện, ông Chìa nhất định tự tay ôm theo kè kè như đồ gia bảo.

Sau hai ngày đi thuyền ngược dòng Đà giang, qua huyện Mường Lay, việc đầu tiên ông Chìa làm khi đặt chân xuống xã Chung Chải, huyện Mường Nhé là chạy vào giường của người họ hàng, ngả bàn đèn ra châm thuốc phiện hút.

Những năm cuối 1980, trong cáo báo Tủa Chùa quê hương ông Chìa vẫn là vựa anh túc nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc, diện tích cả nghìn hecta, mỗi năm trồng cả chục tấn thuốc phiện. Thời kỳ hoàng kim đã qua, nhưng đến giữa năm nay, vẫn có những người đồng hương của ông Chìa bị bắt với vườn anh túc trồng trước nhà, hay lén lút mang bán cho "một người không quen biết".

Người đàn ông 40 tuổi nhưng mang bộ dạng của một ông già, không nhớ mình nghiện từ khi nào, chỉ biết đời ông, đời bố và bây giờ bắt đầu ám cả vào cả tám đứa con ông.

A Minh là thanh niên hiếm hoi trong bản học hết lớp 5

Trong những hình ảnh ít ỏi Chang A Minh còn nhớ về tuổi thơ, thứ sâu đậm nhất, là hình ảnh bố nằm bên bàn đèn.

Thầy giáo cũ của Minh ở có lần vào tận chiếu thuốc phiện của ông Chìa khuyên ông bỏ thuốc, chăm lo cho con cái. Ông chỉ gục đầu xuống đáp "có chết thì mới hết nghiện".

Từng ấy năm, Minh không thấy mẹ dám mở miệng khuyên bố nửa lời, chỉ lầm lũi kéo con ra ngoài, lầm lũi lên nương một mình, hái măng một mình, nấu rượu, sửa nhà, chăm con một mình.

Những ngày còn đi học, mỗi lần A Minh xuống trường bán trú, bà Chìa lại giấu chồng, tỉa cải trong vườn đem bán chợ xa rồi dúi vào tay con năm, mười nghìn đồng. Cũng như gia đình Trừ, các khoản chi tiêu trong nhà Minh phải ưu tiên cho "thuốc". Chang A Minh học hết lớp năm thì tự nghỉ để ở nhà giúp mẹ, dưới Minh còn đến 5 đứa em.

Báo cáo của UNDP và Ủy ban dân tộc năm 2017, khảo sát 39 nhóm dân tộc thiểu số, chỉ khoảng 60% người trưởng thành biết đọc viết chữ phổ thông.

Người Mông thuộc nhóm những dân tộc có tỷ lệ mù chữ cao nhất cả nước, đồng thời có tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ chênh lệch nhiều nhất.

-3376-1636192539.png

Chị gái lớn nhất của Minh năm nay 26 tuổi, chưa từng đi học. Cô gái trẻ thấy người lạ đến là trốn biệt vì không biết nói tiếng phổ thông, có nghe cũng chỉ biết cười và lắc đầu.

Ngày còn trên Tủa Chùa, có lần đang tò mò mở sách của em trai ra xem trộm, cô gái bị bố bắt gặp, đánh đến tím tay mà không hiểu lý do là gì. Chồng cô là một thanh niên cùng bản, nghiện ma tuý từ trước khi lấy vợ, thường ngày, nếu không phê thuốc thì say rượu.

Nhưng hai em gái liền sau đã chứng tỏ họ muốn sống khác như mẹ và người chị cả, thoát khỏi những gã đàn ông nghiện ngập.

Năm 2015, Chang Thị Dàng, khi ấy 17 tuổi, bỏ nhà đi biệt tích. "Ở nhà khổ quá, không chịu được", cô gái trải lòng với đứa bạn hàng xóm, nhờ nhắn người nhà đừng tìm. Ba năm sau, đến lượt con gái thứ ba của ông Chìa cũng bỏ nhà đi khi 15 tuổi.

Trưởng bản Tân Phong ngại chia sẻ con số người nghiện trên vùng đất mình phụ trách, nhưng không giấu giếm nỗi lo về những cô bé tha hương ở tuổi đáng lẽ vẫn còn được chơi, được học.

Các cô bé ở bản anh đã từng bỏ đi vì thiếu ăn, vì bị cha mắng, vì giận dỗi người yêu. Không ai rõ hành trình ly hương của họ như thế nào, cho đến khi họ cảm thấy đủ ổn định để tìm cách tự liên lạc với gia đình. Nhưng cũng có những người không bao giờ liên lạc nữa.

Chị gái Minh không biết tiếng phổ thông, chưa một lần được đến lớp.

Cuộc gọi đầu tiên của Dàng về cho bố mẹ là sau đó ba năm, báo tin đã làm dâu một nhà buôn bán, bên Trung Quốc, vừa đẻ được con trai và đủ ăn đủ mặc. Mùa xuân hai năm trước, theo chỉ dẫn của chị gái, Minh qua bên kia cửa khẩu A Pa Chải, đứng đợi một người mặc áo khoác vải dù màu xanh, xe máy màu đen đến đón. Đấy là anh rể của Minh. Sau ba ngày thăm thú, Minh được chị gái dúi cho 500 tệ cùng lời nhắn nhủ sẽ về thăm bố mẹ khi hai đứa con mình đủ lớn.

Ông Chìa mấy năm nay đã lên ở hẳn trên nương, ngoài thuốc phiện, giờ ông có thêm một mối quan tâm mới, là tỷ giá nhân dân tệ và ngóng ngày đầu tháng xem con gái có gửi tiền về. Những đứa còn lại trong nhà bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, hay có còn đi học nữa hay không, ông chịu.

Với diện tích tự nhiên lớn, quỹ đất nhiều, huyện Mường Nhé được hàng chục nghìn người Mông như gia đình ông Chìa, từ khắp các vùng lân cận chọn làm địa điểm tụ cư mới.

Sau những cuộc đại di cư tự do 10 năm lại đây, Mường Nhé vốn nghèo, gánh thêm cả lượng người nghiện ma tuý đổ về. Vòng tròn chặt phá rừng, lập bản vô tội vạ cũng lặp lại nhiều năm nay. Năm 2020, ở huyện Mường Nhé, trung bình mỗi tháng có 4 vụ chặt phá rừng bị phát hiện, bắt giữ. Lãnh đạo huyện thú thật "nhiều khi biết mà không nỡ bắt, vì toàn là phụ nữ, một người tù tội là gần chục đứa trẻ con bơ vơ".

Dù tiềm năng tự nhiên, du lịch còn nhiều nhưng bí thư huyện ủy Nguyễn Quang Hưng cho biết, thu ngân sách huyện Mường Nhé cả năm qua chỉ đạt 18 tỷ đồng, tương đương số tiền quận Hoàn Kiếm thu trong 15 giờ.

18 tỷ này sau đó, phần lớn quay lại với gần 6.000 hộ nghèo ở Mường Nhé dưới dạng hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt, tặng quà ngày Tết, hỗ trợ xây nhà tái định cư cho các bản di dân tự do và tu sửa trường học.

Trong nhiều trăn trở thoát vòng nghiện ngập, đói nghèo, thất học, Bí thư Hưng không ít lần nghe các đoàn khách than thở với ông, Mường Nhé cũng có điểm cực Tây, cột mốc biên giới số không trên cửa khẩu A Pa Chải, cũng có đỉnh núi săn mây, có ruộng bậc thang, con người dễ mến và bản sắc các dân tộc thiểu số vẹn nguyên, sao vẫn ít người đến.

"Họ không đến với mình, thì mình tìm đến với họ", ông Bí thư tự nhủ. Hai năm qua hàng trăm lao động trẻ của huyện Mường Nhé được chính lãnh đạo huyện như ông Hưng hộ tống, vượt 600 km về nhận việc tại các khu công nghiệp lớn. Trong số đó, có A Minh.

Minh từ chối việc trở thành một "ông Chìa" nữa trong tương lai, nhưng cũng không ưng lời rủ ở lại của chị gái bên Trung Quốc. "No đói gì, em cũng muốn ở trên đất mình".

Minh năm nay 20 tuổi, đang cùng vợ đón chờ một thành viên mới sắp chào đời. Đứa trẻ này, dù là người Mông sinh ra ở huyện nghèo nhất nước, nhưng Minh bảo, nhất định sẽ không để cho nó phải nghỉ học làm nương, hay vướng vào thuốc phiện.

Ngày cuối tháng 12 năm ngoái, Lỳ Xè Mé mãn hạn tù. Bước chân đến cửa nhà, thấy bàn thờ chồng, chị mới biết anh vừa mất được 40 ngày. Thằng bé Trừ giờ cao lớn lầm lì và nét mặt đã dần đanh lại. Nó đứng trân trối nhìn mẹ đang ôm lấy chân mình xin lỗi, nhưng không nói gì, chỉ cúi xuống ôm lưng, hít hà mùi mẹ.

Chiều hôm sau, anh trai Trừ lục cái áo trắng đã vứt góc nhà hai năm nay, mặc lên người, rồi khoác cái túi vải đựng sách vở, ra đứng trước mặt mẹ: Mai con sẽ đi học lại.

Sáng hôm sau, hai anh em men theo con đường đất đang nở vàng rực hoa dã quỳ, cùng đi xuống trường.

Để giáo viên và học sinh ở vùng sâu, xa có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng - báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp với mục tiêu xây mới ít nhất 2 điểm trường ở các xã khó khăn tại huyện Mường Nhé, Điện Biên.

Mỗi sự chung tay của độc giả sẽ góp thêm một viên gạch xây nên những ngôi trường mới. Mọi ủng hộ xin gửi về chương trình tại đây.

Thanh Lam