Sau 5 năm hoạt động, Gumac đã trở thành một thương hiệu thời trang Việt Nam được hàng triệu người dùng ưa chuộng. Đây là thương hiệu dẫn đầu ngành hàng thời trang trên cả ba sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay là Shopee, Tiki và Lazada.
Từ thương hiệu non trẻ thành tên tuổi hàng đầu
Xuất thân là "tay ngang" khi tốt nghiệp chuyên ngành hàng hải, Lê Thành Vân thành lập Gumac chỉ với một gian hàng thời trang online. Sau 5 năm hoạt động, từ một thương hiệu thời trang non trẻ, Gumac đã trở thành hãng thời trang phát triển nhanh, tạo dấu ấn đậm nét với khách hàng Việt và chiếm lĩnh thị phần với hệ thống 80 cửa hàng toàn quốc.
Trong năm 2020 nhiều biến động, Gumac vẫn viết tiếp chuỗi thành tích bằng kết quả kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay như Shopee, Tiki và Lazada. Cụ thể, thương hiệu Gumac vào top các thương hiệu được yêu thích nhất hay thương hiệu bán chạy nhất, cạnh các thương hiệu quốc tế như Unilever, Abbott, Samsung, Lock and Lock... Hiện website gumac.vn cũng ghi nhận lượng truy cập lớn hàng đầu với trung bình khoảng 1,2 triệu lượt truy cập hàng tháng.
Thời điểm mới thành lập, Gumac được định vị là thương hiệu thời trang nữ công sở. Đến năm 2020, với tầm nhìn toàn cầu, thương hiệu này tập trung mở rộng sản phẩm dành cho cả nam, nữ và trẻ em, đặc biệt tập trung dòng sản phẩm chủ lực dành cho đối tượng khách hàng thế hệ trẻ - Gen Z. Trong chiến lược năm 2021, thương hiệu này dự kiến tăng tỷ trọng doanh thu kênh online từ 35% của năm 2020 lên 50% và có kế hoạch đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới là Amazon.
Với định vị là thương hiệu "thời trang hạnh phúc", trong năm 2021, Gumac tập trung đẩy mạnh về thiết kế và chất lượng sản phẩm, bắt đầu hoàn thiện mô hình siêu thị "thời trang hạnh phúc" để nhân bản mạnh mẽ vào năm 2022 nhằm mang lại cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tối ưu. Năm 2023, thương hiệu dự kiến bắt đầu hành trình ra thế giới, trước hết từ các quốc gia Đông Nam Á.
"Chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng không chỉ nhận về sản phẩm chất lượng mà còn cảm thấy tự hào và hạnh phúc với những sản phẩm thời trang đến từ một thương hiệu thuần Việt", đại diện thương hiệu này nói.
Trong vòng 10 năm tới, Gumac có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khép kín cho ngành thời trang Việt Nam, bao gồm tất cả nguồn lực như vùng nguyên liệu, hệ thống sản xuất, thiết kế, bán lẻ, xử lý môi trường...
Anh Lê Thành Vân - nhà sáng lập Gumac cho rằng, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú nhưng chưa được khai thác tốt. Hiện hầu hết nguyên liệu thời trang Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó anh mong muốn huy động các nguồn lực, nhà đầu tư để tạo ra nguồn nguyên liệu sạch với công nghệ hiện đại, chung tay phát triển mô hình thương hiệu thời trang thuần Việt.
"Tôi muốn trong tương lai, Việt Nam chủ động về nguyên liệu, không phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm vấn đề về môi trường và để đảm bảo được vấn đề này, chúng tôi cần sự chung tay của toàn xã hội", anh Vân nói.
Vũ Khánh