![]() |
Nghệ sĩ guitar Canada David Jacques và chiếc đàn guitar baroque. |
- Ngọn gió nào đã đưa anh đến với TP HCM?
- Thật là thú vị vì tôi biết đến các bạn từ một câu lạc bộ guitar TP HCM do nhạc sĩ Trần Hoài Phương và đồng nghiệp sáng lập cách đây 2 năm. Tôi đang trong đợt lưu diễn tại New Zealand và Australia, nên đã quyết định biểu diễn một đêm tại TP HCM. Không ngờ khán giả ở đây lại yêu thích thể loại âm nhạc này như vậy. Những thông tin tôi biết được trước khi đến Việt Nam quá ít.
David Jacques sinh năm 1978 tại Québec, Canada, tốt nghiệp năm 2002 về guitar và âm nhạc thính phòng tại Nhạc viện Québec. Tại Đại học Laval, David đã lấy tiếp 2 bằng cử nhân nữa về guitar cổ điển và baroque; sư phạm âm nhạc và guitar jazz.
- Anh đánh giá như thế nào về chương trình biểu diễn vừa qua?
David đã gặt hái được 1 giải nhất, 4 giải nhì tại Concours Clermont Pépin (1988-1999); 2 giải nhất tại Concours âm nhạc Síllery (1984-1994), đã trình diễn ở Mỹ, Pháp, Balan, Áo, Mehico, Chile...; phát hành hơn 11 CD.
- Buổi biểu diễn không tồi lắm, tôi nghĩ vậy. Trong chương trình, với guitar baroque cổ điển của Canada 5 dây, tôi đã chơi các tác phẩm của J. Bach. Đây là nhạc sĩ tôi thích nhất vì âm nhạc gợi nhiều cảm hứng, sâu sắc và khá phức tạp. Tôi cũng chơi một số tác phẩm của Ludovico Roncalli, D.Scarlatti, Claude Gagnon, đặc biệt là Suite số 9 của Robert de Visée. Đây là nhạc sĩ được chọn cho đề tài tiến sĩ của tôi tại Đại học Montréal. Bản chơi chung với nhạc sĩ Trần Phương Quang, chúng tôi chỉ luyện trước đó 3 lần, may là suôn sẻ.
- Khán giả rất thích thú trước cây đàn guitar baroque và chiếc khác với 7 dây, anh thấy sao?
- Guitar baroque là cây đàn truyền thống của Canada, nhỏ hơn guitar cổ điển thông thường và chỉ có 5 dây, trong đó 4 dây kép như đàn mandolin. Kỹ thuật chơi tay phải gảy đàn không dùng móng mà phần thịt đầu ngón tay. Xử lý tiếng đàn ở tay trái bấm cũng phải sạch hơn, khéo léo hơn do chiều ngang cần đàn nhỏ hẹp. Tiếng đàn của cây baroque, vì thế mà trong hơn, nhẹ, mỏng và ngọt hơn so với guitar thường. Các tác phẩm của nhạc sĩ cổ điển viết cho đàn luth, khá gần với guitar như mối liên hệ giữa clavecin và piano. Do đó phải chuyển soạn lại phù hợp.
Còn chiếc 7 dây, về cơ bản không khác đàn thường về kỹ thuật, âm thanh... Dây thứ 7 ở dưới cùng, khi phải sải tay rộng để bấm phím thì hơi khó. Nhiều người thích loại đàn này vì cho nhiều âm thanh hơn, nhất là khi biểu diễn dàn nhạc, có hát.
- Sau đêm nhạc ở TP HCM, liệu công chúng Việt Nam có thêm cơ hội thưởng thức tiếng đàn của anh?
- Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại Việt Nam, tham gia một buổi hòa nhạc lớn ở Hà Nội. Tôi đang liên hệ với Đại sứ quán Canada và các nhà tài trợ để thực hiện dự định này sớm nhất, có thể là 6 tháng, 8 tháng hoặc 1 năm nữa.
Lê Nhàn thực hiện