Mới lấy vợ chưa có con, anh Tuấn 28 tuổi, Hà Nội, phát hiện mình bị ung thư gan giai đoạn cuối. Là con một nên bố mẹ vẫn luôn mong ngóng có cháu bế bồng, vì thế dù người gầy, tóc rụng gần hết do điều trị hóa chất, anh Tuấn vẫn đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, gửi tinh trùng để sau này vợ mang bầu. Đến nay anh đã 3 lần đến trung tâm để lấy tinh dịch. Thương chồng, cô vợ trẻ cũng quyết sau này sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng anh gửi giữ.
Có những nam thanh thiếu niên 16, 18 tuổi cũng được bố mẹ đưa đến trung tâm lấy tinh trùng lưu trữ. Một ông bố giải thích là con mắc quai bị, sợ biến chứng gây vô sinh về sau nên "cẩn thận gửi tinh trùng vẫn hơn". "Sau này nhỡ cháu lấy vợ không có con thì vẫn có thể dùng tinh trùng trữ đông để thụ tinh", bố của một thanh niên cho biết. Chàng trai thì e ngại không lên tiếng.
Những trường hợp nam giới đi gửi tinh trùng lưu trữ tương tự ngày càng phổ biến. Hoạt động được hơn một năm nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đang lưu giữ hơn 200 mẫu tinh trùng ký gửi.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô - Phôi, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, có nhiều trường hợp do mắc quai bị hoặc ung thư sợ chất lượng “con giống” bị ảnh hưởng bởi hóa chất nên đã gửi tinh trùng trước khi xạ trị, hóa trị. Có người đã đủ mặt con, thậm chí ở độ tuổi 50, 60 cũng đến gửi tinh trùng chỉ để dự phòng sau này muốn sinh thêm con. Có người đã đóng phí trữ đông mẫu tinh trùng cho 10 năm liền.
Các mẫu tinh trùng sẽ được lấy bằng phương pháp thủ dâm. Với trường hợp tinh dịch không có tinh trùng, các bác sĩ phải trích xuất tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn. Sau đó, chúng sẽ được xét nghiệm máu để sàng lọc, đánh mã số rồi đặt vào máy hạ nhiệt độ để lưu trữ. Những mẫu âm tính với tất cả bệnh có thể đặt chung trong bình nitơ lỏng. Những mẫu phát hiện viêm gan B, viêm gan C, HIV... được bảo quản ở bình nitơ lỏng riêng biệt. Mỗi bình này chứa được hàng trăm mẫu, mỗi tuần các bác sĩ sẽ kiểm tra để đổ thêm nitơ lỏng.
Theo tiến sĩ Hà, việc trữ đông tinh trùng khá dễ dàng, các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước đều làm được. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cho rằng có thể lưu giữ tinh trùng vài chục năm. Thực tế từng có em bé được thụ tinh thành công từ tinh trùng đã bảo quản 20 năm. Chi phí bảo quản tinh trùng rất rẻ. Trong năm đầu tiên, bệnh nhân phải trả 3 triệu đồng cho tổng số 6 tube bảo quản, sau đó mỗi năm mất khoảng 1,7 triệu đồng.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.