Bà Thu Lan (Bình Tân, TP HCM) cho biết đã dành dụm được tổng cộng 25.000 USD, do con trai định cư bên Mỹ gửi về trong suốt một thời gian. Hiện bà và ông xã vẫn tự kiếm tiền trang trải được sinh hoạt hàng ngày với quán nước tại nhà, nên chưa cần dùng đến số tiền trên.
"Tôi đang băn khoăn không biết nên mang 25.000 USD này đến gửi ngân hàng hay là bán ra lấy tiền Việt để gửi tiết kiệm. Đâu là giải pháp tốt nhất trong lúc này", bà Lan thắc mắc.
Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối gửi về trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm đạt trên 2,2 tỷ USD, trong đó lượng gửi về cho người thân chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Băn khoăn giữa việc gửi tiền USD hay tiền đồng như bà Thu Lan đang khá phổ biến.
Trước những phân vân trên, một chuyên gia ngân hàng phân tích. Dựa trên những yếu tố vĩ mô có thể nhìn nhận kênh tiết kiệm VND có ưu thế tương đối so với USD vì những lý do sau.
Thứ nhất, để bảo vệ giá trị tiền đồng, Nhà nước có những chính sách không khuyến khích người dân dự trữ USD. Do đó, Ngân hàng nhà nước luôn có những giải pháp nhằm ổn định tỷ giá ngoại tệ. Ngay từ đầu năm, Thống đốc phát thông điệp tỷ giá chỉ biến động khoảng 2%, và mới đây đã điều chỉnh tăng 1%. Khả năng từ đây đến cuối năm, giá USD sẽ không thay đổi nhiều, có chăng chỉ tăng thêm 1%.
Mặc khác, hiện lãi suất tiết kiệm USD bị khống chế tối đa 1% trong khi tiền đồng từ 6 tháng trở lên được tự do thoả thuận lãi suất có thể lên đến 7-8%, tính ra mặt bằng lãi suất tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn cao hơn nhiều so với USD.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện nhiều chính sách nhằm giữ chỉ số CPI tăng không quá 6%, và giá trị đồng nội tệ không bị mất giá nhiều. Do đó, gửi tiền đồng phần nào được đảm bảo thực dương lãi suất.
Với những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng USD thì người dân có thể cân nhắc việc đổi USD ra tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt hơn.
Chẳng hạn, với số tiền 25.000 USD của bà Thu Lan, nếu gửi ngân hàng thì hiện nay, mức lãi suất tiết kiệm bằng USD khá thấp, cao nhất chỉ là 1% một năm, đổ đồng từ kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng (tỷ giá trần hiện nay 21.458 đồng).
Trường hợp gửi một năm thì tiền lãi bằng USD khi đáo hạn là khoảng 250 USD (25.000 USD*1%/12*12). Giả sử lúc đáo hạn tỷ giá tăng 1% lên mức trần mới 21.672 đồng thì số tiền lãi quy đổi ra tiền đồng mà bà nhận được là 250 USD*21.672 đồng = 5.418.000 đồng.
Còn nếu bà đổi 25.000 USD ra tiền đồng tương đương khoảng 536.000.000 đồng (25.000 USD*21.458 đồng) để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm, lãi suất của các ngân hàng dao động 7% mỗi năm. Khi đến hạn, số tiền lãi bà Lan nhận được vào khoảng 38 triệu đồng (536.000.000*7%/12*12).
Như vậy, gửi tiền đồng thì mức lãi thu về sẽ cao hơn gần 8 lần so với gửi USD. Tuy nhiên, với trường hợp người dân có nhu cầu dùng USD cho việc đi chữa bệnh, đi du lịch hoặc gửi tiền cho con học tập ở nước ngoài... có thể tự cân nhắc lại.
"Khi đó, người dân có thể chấp nhận lãi suất thấp hơn để gửi USD nhưng lại có nguồn ngoại tệ sẵn để dùng khi cần thiết mà không phải mất công đến ngân hàng làm thủ tục mua", vị chuyên gia ngân hàng chia sẻ.
Lệ Chi