Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM chia sẻ với VnExpress.net kênh đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay, sau khi giá vàng xuống mức thấp nhất 2 năm, tỷ giá đôla Mỹ bất ngờ 7% một năm, trong khi chẳng mấy ai tiếp cận được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
- Quan điểm của ông về kênh đầu tư vàng hiện nay, khi giá thế giới lẫn trong nước lao dốc mạnh?
- Mấy ngày nay, giá vàng thế giới có “sóng” lớn, một số nhà đầu tư rục rịch mua vào nhằm đầu cơ, dự trữ, làm của để dành. Nhưng theo quan điểm của tôi, trong lúc này, nhà đầu tư cần phân tán rủi ro, chỉ rót một ít vào vàng, chứ không nên dốc hết "trứng vào một rổ". Mọi người cũng khoan nghĩ đến chuyện mua vàng lúc này để sinh lợi vì diễn biến giá kim loại quý đang rất khó lường, tăng giảm thất thường. Khi giá vàng xuống 36 triệu đồng một lượng, nó vẫn có khả năng xuống 30 triệu đồng, song cũng có thể vọt lên cao trở lại.
Hiện rất khó dự báo giá vàng thế giới bởi vì biến động của nó không chỉ thuần túy dựa vào quan hệ cung cầu mà còn chịu ảnh hưởng của giới đầu cơ thế giới.
- Đối với kênh gửi tiết kiệm, ông đánh giá như thế nào về khả năng thu hút tiền gửi trong dân cư, khi trần huy động đã giảm về 7% một năm?
- Ở mức lãi suất 7% một năm có thể giúp Ngân hàng Nhà nước đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu lạm phát. Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chủ động đưa lãi suất huy động về dưới 7%.
Giả sử lãi suất huy động giảm hẳn về 5% vẫn cao hơn chỉ tiêu lạm phát trong 6 tháng đầu năm vốn ở mức 2,4%. Điều này cho thấy, trần lãi suất điều chỉnh giảm về 7% cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng huy động vốn trong dân cư của các ngân hàng.
Tôi giả định, lãi suất huy động 6%, người gửi tiền vẫn lời so với việc mua vàng với giá “nhảy nhót” 35-37 triệu đồng một lượng mà không chắc có sinh lãi được hay không.
Do đó, nếu xét về yếu tố sinh lợi an toàn trong thời điểm này, gửi tiết kiệm vẫn tốt hơn. Nếu mua vàng dự trữ cũng tốt, nhưng với điều kiện nhà đầu tư không dồn hết tiền vào vàng mà chỉ nên xem đó là một trong những cách phân tán rủi ro.
- Vậy ông nhận định như thế nào về biến động của thị trường ngoại tệ trong thời gian tới, khi tỷ giá USD/VND vừa tăng thêm 1%?
- Theo tôi, lượng ngoại tệ trong nội địa vẫn đủ sức hỗ trợ thị trường mỗi khi cung cầu có biến động. Nếu như tỷ giá có biến động theo chiều hướng không tốt, tôi nghĩ các nhà quản lý có thể can thiệp để tạo sự ổn định trên thị trường.
- Bất động sản có cơ hội thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư thời điểm này?
- Điều quan trọng nhất của bất động sản là yếu tố giá và tính thanh khoản. Vấn đề giá còn tùy thuộc phân khúc, trong khi thanh khoản phụ thuộc vào dòng tiền. Nếu các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, đó sẽ là cơ hội cho bất động sản.
Trong tình hình hiện nay, về mặt lý thuyết, bất động sản có dấu hiệu tích cực, nhưng thực tế ngành này vẫn chưa vực dậy được. Dòng tiền chỉ hé chút ít cho lĩnh vực địa ốc khi nhà đầu tư muốn mua bất động sản giá rẻ để dành đó, chờ cơ hội cho tương lai.
- Vậy đối với kênh chứng khoán thì sao?
- Khó có chuyện dòng tiền từ các kênh khác đổ sang chứng khoán thời điểm hiện nay, kể cả khi thị trường giảm sâu đi nữa vì "khẩu vị" đầu tư của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, cũng rất khó xác định một người vừa chơi chứng khoán vừa tích trữ vàng giờ bỏ tiền hết cho chứng khoán hay rút vốn từ cổ phiếu để đổ sang vàng.
Song, có điều chắc chắn rằng, thị trường vẫn thu hút một lượng người nhất định tham gia, có mua vào bán ra dù chứng khoán có diễn biến theo chiều hướng nào đi nữa.
- Theo ông, nếu có 1 tỷ đồng thời điểm này thì nên bỏ vào kênh nào?
- Tôi không nghĩ sẽ có công thức chung cho trường hợp này. Nguyên nhân là đầu tư vào vàng, tiền gửi tiết kiệm, ngoại hối hay bất động sản đều tùy thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro của mỗi cá nhân, cũng như sở trường, độ dài của dòng tiền.
Phương Mai