Ấn phẩm phát hành tháng 5, gồm 60 trang màu, nội dung chắt lọc từ câu chuyện có thật của họa sĩ. Ngay đầu sách, tác giả tiết lộ ngày hay tin người em thân thiết đột ngột qua đời, cô thấy mình thật nhỏ bé và bất lực, không biết làm gì ngoài khóc than.
"Nhưng cứ mãi tiếc thương phỏng có ích gì khi người cũng đã nằm xuống. Đó là lúc tôi nhen nhóm suy nghĩ muốn biến nỗi nhớ nhung, sự trống vắng khi không còn em ở bên thành điều gì đó thật đẹp, tử tế. Tôi muốn dùng nét vẽ của mình lưu lại dáng hình em trong những ngày thanh xuân rực rỡ nhất - trẻ trung, hiền hậu, ấm áp", Lê Thư nói về cảm hứng sáng tác Gửi em.
Một lần tình cờ, nhân vật chính - xưng "chị" - đến quán quen gọi tách cà phê trứng. Vị thơm nồng nhưng đắng nghét khiến cô hoài niệm người bạn cũ - thường gọi là "em". "Những kỷ niệm của chúng mình ngày ấy, chị bắt đầu nhớ nhớ, quên quên. Trong phút chốc, chị hoảng hốt khi ngỡ mình đã quên mất khuôn mặt em", sách có đoạn.
Theo dòng ký ức, Lê Thư dẫn dắt độc giả đến với thời thanh xuân của hai của cô gái trẻ. Họ thuê phòng trọ ở thành phố, sống cùng đàn mèo, ngày ngày sáng chế những mô hình thủ công, đồ nội thất bé xinh. Làm việc đến kiệt sức sẽ lăn ra ngủ, khi thức giấc lại nấu cho nhau món giản đơn nhưng hợp khẩu vị.
Chuỗi ngày êm đềm ấy không kéo dài, người em dọn về sống cùng gia đình ở ngoại ô, muốn đến thăm, chị phải bắt xe bus, băng qua quãng đường xa tít tắp. Vì không bao giờ nhớ được đường vào, chị luôn gọi điện cho em ra đón. Chuyến đi đọng lại dư vị ngọt ngào, thơm nồng của tách cà phê trứng em tự pha, dù chị vốn không thích vị đắng.
Khi chị tìm được việc mới, cả hai bộn bề chuyện riêng, lời hẹn gặp không thành, dời hết lần này đến lần khác. Sau đó, khoảng cách giữa họ xa hơn rất nhiều so với một chuyến xe buýt - một người mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi, người kia buộc phải bước tiếp. Cuộc chia ly ấy dù được báo trước trăm nghìn lần, người trong cuộc vẫn không thể sẵn sàng đón nhận.
Qua nét vẽ mềm mại, phóng khoáng cùng lối tô màu trầm, họa sĩ Lê Thư muốn nhấn mạnh không khí bảng lảng, man mác buồn nhưng không bi lụy. Tác giả nói thời thanh xuân của hai chị em dù bộn bề, gian khó, vẫn vui tươi vì được sống trọn đam mê; có sự phấn khích khi chứng kiến "đứa con tinh thần" thành hình; hạnh phúc khi cùng sẻ chia khoảnh khắc nhỏ mỗi ngày hay rạo rực khi nghĩ về tương lai. Từng hình ảnh cũng khắc họa nỗi đau xé lòng, không cam tâm của tác giả khi bạn thân rơi vào bi kịch. Sau cùng, cơn bão lòng đã tan, người ở lại dần thông suốt và chữa lành.
Vẽ và sáng tạo nghệ thuật là liệu pháp tinh thần, giúp họa sĩ vượt thăng trầm, hàn gắn thương tổn, tìm thấy bình yên, ý nghĩa cuộc sống. Tác giả kỳ vọng Gửi em là lời động viên, khuyến khích độc giả trân trọng mọi khoảnh khắc trong đời. "Dù nắng mưa, vui buồn, hãy mạnh dạn bước tới, bày tỏ với người ta trân quý. Đừng chần chừ, đừng chờ đợi để rồi một ngày kia phải thốt lên: 'Sao em cứ thế ra đi mà chẳng nói gì?', Lê Thư cho hay.
Tác giả tên đầy đủ Lê Thị Anh Thư, hiện sống tại TP HCM, thích mèo và vẽ truyện tranh. Cô có nhiều tác phẩm đăng định kỳ trên báo Thiên Thần Nhỏ. Năm 2010, ấn phẩm Con cò quăm màu đỏ - chuyển thể từ nguyên tác văn học của James Hurst - thu hút nhiều độc giả. Năm 2018, tác phẩm Sài gòn của em do cô minh họa đạt giải B Sách Quốc gia.
Thiên Lam