*Tottenham - Man City: 0h30 Chủ nhật ngày 22/11, giờ Hà Nội.
Thời điểm tương tự cách đây 24 năm, duyên nợ giữa Mourinho và Guardiola đã được bắt đầu cho dù rằng họ đã biết tới nhau từ trước đó. Chuyện xảy ra vào một đêm ở San Mames, với một cá nhân tham gia như một xúc tác và một chứng nhân cho hai khác biệt vĩ đại của thế giới bóng đá sau này.
Đó là đêm mà Barca của HLV Bobby Robson hành quân đến sân của Athletic Bilbao. HLV của Bilbao khi ấy là Luis Fernandez, một huyền thoại trong bộ tứ huyền ảo của đội tuyển Pháp. Và Fernandez được biết đến như người nóng tính bậc nhất của bóng đá xứ lục lăng ngày đó, sẵn sàng ăn thua đủ với bất kỳ kẻ nào chơi xấu đồng đội của mình.
Mourinho, ngày 23/11/1996, còn là một chàng trai trẻ măng, bảnh bao nhưng vẻ mặt lúc nào cũng cau có. Ông vừa được thăng chức từ phiên dịch cho Robson lên thành trợ lý HLV. Và khi Abelardo mở tỷ số cho Barca, Mourinho đã ăn mừng một cách đầy hoang dại và thách thức. Với Fernandez nói riêng và những người Bilbao nói chung, nó là hành vi không thể chấp nhận được.
Ở Bilbao có một câu khắc cốt ghi xương mà HLV nào cũng cần phải nhớ là "đừng để bất kỳ kẻ nào bắt nạt bạn ngay tại vườn nhà mình". Đối với họ, thái độ của Mourinho là một dạng vừa bắt nạt, vừa nhạo báng. Nhưng Fernandez không cần đợi lâu. 37 phút sau bàn thắng của Abelardo, Jose Mari quân bằng tỷ số. Fernandez hừng hực khí thế kêu gọi các CĐV nhà phải ồn ào hơn nữa dù rằng âm thanh của họ tạo ra đã đủ trấn áp bất kỳ khách lạ nào ở San Mames rồi.
14 phút sau đó, Julen Guerrero ấn định tỷ số 2-1 cho Bilbao. Fernandez chạy dọc đường biên ăn mừng điên dại và ông cũng không giấu sự nhạo báng của một kẻ chiến thắng ngay trước khu kỹ thuật của Barca. Mourinho không phải tay vừa. Chàng trai trẻ lao ra, gây sự, chọc ngón tay vào mặt Fernandez. Nếu không có người can, có lẽ Mourinho đã nằm đo ván bởi Fernandez nổi danh là một tay đấm rất cừ.
Kết thúc trận đấu, trong đường hầm, khi các cầu thủ của Barca trốn nhanh khỏi cuộc xung đột, chỉ còn mình Luis Figo bên cạnh Mourinho trong vòng vây của các cầu thủ Bilbao. Khả năng hai người Bồ Đào Nha này bị ăn đòn hội chợ xứ Basque là rất cao. Và ngay lúc đó, Pep Guardiola xuất hiện. Ông đã thể hiện bản lĩnh và tư cách đội trưởng một cách tuyệt vời. Ông can thiệp và cứu vãn tình thế đầy ngoạn mục.
Pep chen vào giữa, đứng đối diện Fernandez, trừng mắt nhìn HLV người Pháp và gằn từng tiếng "Đừng bao giờ cười nhạo trên thất bại của người khác". Fernandez chùng lại, vì ông hiểu Guardiola là ai. Không phải Fernandez sợ mà ông nể Pep, một người khá tương đồng với ông về độ nóng tính nhưng khác ông ở chỗ ít nói giữa đám đông.
Và Fernandez lựa chọn đối thoại. Ông giải thích cho Pep hiểu lý do, chỉ rõ ra rằng Mourinho là kẻ khơi mào. Pep lắng nghe, rồi sau đó ông ra lệnh, đúng nghĩa là ra lệnh, cho cả Mourinho lẫn Figo đi vào phòng thay đồ trong khi đôi mắt ông vẫn trừng trừng đầy đe doạ đối với những cầu thủ Bilbao xung quanh. Cách Pep trấn áp đối thủ, và ra dáng đàn anh với Mourinho và Figo theo kiểu họ như hai đứa trẻ hư trong nhà, đã khiến mọi việc ổn thoả. Còn Mourinho, chưa bao giờ ông nhắc lại câu chuyện này và có lẽ suốt đời ông cũng muốn nó được giấu kín.
Đó là một khởi đầu đẹp thực sự giữa họ. Những năm tháng ở Barca của cả hai có kỷ niệm chung hay không, chưa mấy ai nói ra nhưng làm sao tránh khỏi chuyện hai kẻ chung xuồng không từng có một kỷ niệm bé nhỏ nào. Và chính sau này, Pep cũng từng nói rằng "Ở Barca, tôi đã học được từ ông ta vài thứ về bóng đá. Sau này, xem các trận ông ấy chỉ đạo qua TV, tôi cũng học được ông ấy ít nhiều".
Nhưng rồi, thời cuộc khiến mối quan hệ đó đổ vỡ dần, nhiều đến mức không thể cứu vãn.
Năm 2010 Mourinho đến Real, còn Pep rời Barca năm 2012. Họ đối diện nhau hai mùa giải, với 11 trận El Clasico cả thảy. Đó là quãng thời gian bão nổi thực sự với họ, đẩy mối quan hệ của cả hai trở thành thù địch và biểu tượng đối kháng của bóng đá thế giới ở thời đại này.
Hãy nhắc lại trước đó để hiểu hơn về họ, qua những hành vi và biểu hiện bên ngoài. Cú ăn mừng chạy dọc đường biên ở Old Trafford của Mourinho hồi 2004 thực sự là một bản sao chép của Fernandez ở San Mames năm nào. Mourinho đến Tây Ban Nha trong tư cách người chinh phục, khi ông đã có tất cả các danh hiệu cao quý ở Porto, Chelsea và Inter. Ông cũng định hình luôn mình là một mẫu HLV thích tiêu khiển với truyền thông một cách tài tình. Và người ta nói về ông, với nhận xét y chang như cách cố chính trị gia Italy nói về chính trị một cách ngắn gọn là "Máu và phân" (Blood and shit). Mourinho là như vậy, như cái cách Ferguson từng nhận định "Ở đất nước ông ấy, bóng đá thuộc về cần lao và ông ấy đã trả lại cho bóng đá đúng thứ của cần lao".
Trong khi đó, Pep cũng thành công lẫy lừng với một Barca bất khả chiến bại. Ông tạo dựng hình ảnh chỉn chu hơn, lịch lãm hơn và người ta nói Pep là một hiện thân của người luôn biết chìa tay bắt tay đối thủ trước và sau khi quần nhau lên bờ xuống ruộng. Hình ảnh ấy thậm chí còn được ví von như một hiệp sĩ, không cần thị uy nhưng chẳng biết sợ hãi là gì.
Rõ ràng, giữa họ đã có những khác biệt rất lớn lao, và hơn thế nữa, còn tồn tại cả những ẩn khuất khó giải toả. Mourinho đã nộp đơn ứng cử vào ghế HLV của Barca khi Frank Rijkaard nghỉ, thậm chí dám chấp nhận thay đổi triết lý của mình để phục vụ triết lý của CLB, nhưng ông bị từ chối vì không chịu thay đổi đường lối truyền thông. Và người nhận ghế lại là Pep. Bởi thế, Mourinho luôn cảm thấy bực bội trong lòng.
Và Mourinho luôn biết cách để chống lại Guardiola. Pep luôn dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho những trận đấu lớn, và ông cần tập trung cao độ. Pep sợ sự xao lãng bởi nó tiêu hao năng lượng của ông kinh khủng. Mourinho thì lại quá quen với chuyện sử dụng truyền thông cho các cuộc đấu trí mà ông chắc chắn luôn làm chủ. Bởi vậy, trước mỗi trận El Clasico, Mourinho luôn chuẩn bị sẵn những câu chuyện đủ để Pep phải mệt nhoài. Sau này, khi Pep nghỉ việc ở Barca và dành một năm tĩnh dưỡng, việc ông đến Mỹ khiến nhiều người bàn tán rằng đó là cách để ông không phải nghe ai nhắc tới Mourinho nữa bởi ở nước Mỹ chẳng mấy ai quan tâm Mourinho là nhân vật nào.
Nhưng Mourinho không chỉ dùng mỗi truyền thông. Có nhiều tiểu xảo được ông đưa ra khiến Pep phải rối trí. Như trận El Clasco ngày 16/4/2011 chẳng hạn. Sân Bernabeu được Mourinho yêu cầu không cắt cỏ bởi ông biết, Barca của Pep sẽ chơi rất hiệu quả nếu mặt cỏ ở thông số lý tưởng (cỏ cao khoảng 25 mm). Và trong một trận đấu mà cỏ cao tới gần 100 mm, Barca đã không thể thắng được Real. Tuy nhiên, họ vẫn vô địch ở mùa giải đó với bốn điểm nhiều hơn.
Sau trận hoà 1-1 ở Bernabeu hôm đó chỉ bốn ngày, họ gặp lại nhau ở Mestella - Valencia trong trận chung kết Cup Nhà vua. Barca yêu cầu chăm sóc mặt sân đúng tiêu chuẩn ĐTQG thi đấu. Yêu cầu ấy được chấp thuận. Và Mestella được cắt cỏ một lần vào chiều Chủ nhật (17/4), hai lần vào thứ Hai, hai lần vào thứ Ba, hai lần vào thứ Tư (20/4) và một lần cuối trước khi bóng lăn 30 phút. Sự chăm sóc đó là cái cớ để Mourinho nói mỉa về một ưu ái cho Barca mà Pep khó lòng chối cãi. Nhưng kết quả, Real vẫn thắng nhờ bàn thắng của Cristiano Ronaldo trong một cuộc chiến có tới tám thẻ vàng.
Và sự căng thẳng ở trận chung kết kia thực ra chỉ là một kéo dài cho những căng thẳng đã xảy ra trước đó. Ở trận El Clasico trên sân Bernabeu hôm 16/4, cũng có tới bảy thẻ vàng và một thẻ đỏ cho Abiol, chiếc thẻ đỏ dẫn tới pha đá phạt đền của Lionel Messi. Trận ấy, có mấy lần Messi mất bóng, và anh bực tức đến mức khi bóng ra ngoài biên, anh đá rất mạnh với mục đích để bóng đập vào biển quảng cáo và dội lại. Nhưng không may, bóng trúng rìa trên của biển và văng thẳng về phía những khán giả hàng ghế đầu của Real. Trọng tài không rút thẻ với Messi vì anh đã có một thẻ vàng trước đó. Và Mourinho lấy đó làm cớ để nói thẳng với báo chí rằng "Tôi biết từ trước là sẽ có những việc như thế xảy ra khi tôi gặp Barca. Nếu Valencia gặp Barca thì cũng tương tự. Đội nào gặp Barca cũng cùng kịch bản cả".
Rõ ràng, Mourinho đã quá biết cách để khiêu khích Guardiola. Pep tránh xa sự ồn ào, kể cả là những ồn ào khen tặng. Mourinho cứ thế tạo ra ồn ào, như thể ông tạo ra một vùng xoáy lớn mà Pep không tài nào tránh né được. Hơn thế nữa, Mourinho quá hiểu Pep với thói quen luôn bảo vệ cầu thủ của mình. Vì thế, ông tạo ra một thái độ gay gắt thực sự cho các cầu thủ Real mỗi khi nhắc tới các đối thủ bên phía Barca. Điều đó đặt Pep vào thế luôn phải đối phó, với sự căng thẳng tột độ.
Sự căng thẳng này đã dẫn tới một thái độ bất thường của Pep ở lúc kết thúc trận chung kết Cup nhà Vua. Ông thể hiện một gương mặt không biểu cảm. Cái bắt tay thủ tục với Mourinho cũng chỉ là lướt qua. Không một cái vỗ tay xã giao khi nhà Vua Tây Ban Nha trao Cup cho đối thủ. Thể hiện ấy khác hẳn với cách Pep phát biểu trước đó khi nhận được lời chỉ trích trọng tài từ phía Arsenal sau vòng 1/8 Champions League rằng "Khi một CLB lớn thua trận, họ không nên đổ lỗi mà hãy chúc mừng đối thủ".
Sau này, khi Pep huấn luyện Bayern Munich, ở mùa giải cuối cùng tại Đức, sau khi bị Atletico loại ở bán kết Champions League, chính Pep còn phát biểu trong cuộc họp báo rằng "Chúng ta nên chúc mừng Atletico và dành lời khen ngợi cho Simeone" và đó vẫn là phương châm của ông khi thất bại. Cái cách ông khen ngợi Klopp và Liverpool bây giờ cũng tương tự như vậy thôi. Nhưng dường như chưa bao giờ Pep khen ngợi Mourinho cả. Ông chỉ đơn giản "chúc mừng danh hiệu Cup nhà Vua của Real Madrid". Chắc ông cũng ảnh hưởng của Johan Cruyff, người từng nói về Mourinho là "một gã đoạt Cup chứ không phải một người làm bóng đá".
Và Mourinho đã đẩy sự việc đi đến cùng cực của nó. Ông phá nát Barca cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trên sân cỏ, ông đòi hỏi cầu thủ Real phải đá rát hơn nữa đối với Barca. "Hãy xem, trận El Clasico đầu tiên của tôi, chúng ta phạm ít lỗi nhất (16 lỗi) thì họ thắng 5-0. Chung kết ở Valencia, chúng ta phạm lỗi 27 lần và có Cup". Mourinho từng dặn các học trò như thế. Nhưng ông cũng đòi hỏi họ đá rát một cách thông minh, tránh phạm lỗi bởi "Barca là một thế lực được kính trọng nên trọng tài dễ bị ảnh hưởng trong các tình huống phạm lỗi với họ".
Cách tiếp cận ấy khiến Pep đã bắt đầu đi vào "con đường của Mourinho" khi ông cũng có vài lời phàn nàn trọng tài hiền quá. Và thế là Real phản pháo. "Thật quái lạ. Giờ họ phàn nàn cả trọng tài khi quyết định của trọng tài hoàn toàn đúng. Thật hết chịu nổi", Sergio Ramos đã nói như thế. Nhưng người thả bom vẫn là Mourinho. Ông tuyên bố "Thường có hai loại HLV. Loại thứ nhất hay nói về trọng tài. Loại thứ hai, ít hơn, không nói gì về trọng tài. Nhưng giờ có thêm loại thứ ba. Loại này có mỗi một người. Đó chính là ông ấy, Pep. Và loại này chọn chỉ trích trọng tài khi họ quyết định đúng", Mourinho mỉa mai trong tiếng cười của cánh phóng viên. Rõ ràng, ông biết cách "đặt báo thức đầu giường" Guardiola trước mỗi cuộc đại chiến.
Mourinho khơi mào El Clasico thứ tư của mình (lượt đi bán kết Champions League 2010-2011) theo cách đó và nó khiến người Barca sợ hãi. Chemi Teres, người phụ trách truyền thông của Barca, đã phải nói với Pep trước khi ông bước vào phòng họp báo ở Bernabeu rằng "Chủ tịch muốn ông đừng đáp trả Mourinho. Vì thế, ông ấy muốn Javier Mascherano cùng dự họp báo với ông. Cậu ấy luôn uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".
Pep gật đầu đồng ý, nhưng ông bước nhanh vào ghế ngồi. Và ông khai màn lập tức trong sự lo lắng của Teres "Đầu tiên, xin chào các bạn. Quý ông Mourinho đã nhắc đến tôi, gọi tôi là Pep thì tôi xin gọi ông ấy là Jose. Trong đám camera dưới kia, tôi không biết cái nào là của Jose. Nhưng tôi đoán là của ông ấy cả. Mai, 8h45 chúng tôi đối đầu trên sân. Ngoài sân thì ông ấy thắng rồi, thắng cả mùa, và còn thắng nữa. Ông ấy có thể coi đó là dạng một giải Champions League khác của riêng mình. Thế thì cứ lấy cúp ấy về nhà mà trưng bày. Còn chúng tôi ở đây vì Champions League đúng nghĩa của nó. Thua thắng là chuyện lịch sử quyết định. Chúng tôi chơi vì những chiến thắng nhỏ bé thế thôi, để cả thế giới này ngưỡng mộ. Có cả tá sự việc mà ông ấy đã khai mào. Ông ấy có thể nhớ chuyện ở Chelsea, ở Inter. Tôi cũng có thể nhớ tới cả 250 ngàn chuyện. Nhưng chúng tôi ở đây để chơi bóng đá. Mai 8g45 bóng lăn. Thế thôi. Trong phòng họp báo ông ấy là ông chủ và tôi chả muốn cạnh tranh ở chỗ họp báo để làm gì".
Pep còn nói dài hơn nữa nhưng chỉ cần trích dẫn thế là đủ hiểu những sâu cay ông chĩa về Mourinho. Lần đầu tiên Pep phản ứng mạnh đến mức đó với một đồng nghiệp. Khá ngạc nhiên, Pep từng thẳng thừng rằng "ở ngoài sân cỏ thì tôi chẳng học được gì từ ông ấy cả" nhưng nay đã quay lại tiếp chiến đúng cái cách mà Mourinho khiêu chiến mình. Còn các cầu thủ Barca, họ phấn khởi tột độ sau khi rời sân tập và đọc được trên báo chí đăng đầy rẫy những mũi đinh mà HLV của mình đóng vào Mourinho.
Trận ấy, Barca thắng 2-0. Năm ấy, Barca vô địch Champions League.
Kể từ sau thất bại đó trước Pep ở bán kết Champions League, Mourinho còn vào bán kết thêm ba lần nữa với Real và Chelsea, nhưng ông không gặp lại Guardiola ở đấu trường này. Và cũng kể từ đó, ông và Guardiola đều không giành được danh hiệu cao quý Champions League, danh hiệu mà các đội bóng đều đặt kỳ vọng lớn khi mời họ vào ghế thuyền trưởng. Nhưng họ gặp lại nhau bốn lần, ở Ngoại hạng Anh, và chẳng có lần nào ồn ào như xưa nữa.
Phải chăng, sự đa dạng đối thủ cạnh tranh ở đó đã không tạo điều kiện cho một cuộc đua tay đôi để họ phải cân não nhau? Phải chăng, bản chất thương hiệu của các đội bóng Anhkhông đủ tạo ảnh hưởng truyền thông như Barca gặp Real? Phải chăng, không có cuộc đối đầu M10 - CR7 nên cuộc chiến giữa họ cũng ít nhiệt lượng đi nhiều? Hay phải chăng họ đã thay đổi?
Thực sự khó có thể quy về một lý do duy nhất nào. Nhưng đúng là khi có quá nhiều địch thủ, người ta phải phân tán năng lượng chứ không thể dồn cho một đối tượng cụ thể. Mourinho là bậc thầy của các cuộc chiến ngoài sân cỏ và ông dùng nó như một vũ khí phục vụ các trận đấu then chốt của mình. Đối thủ của ông ở Ngoại hạng Anh không chỉ là Guardiola mà còn cả Klopp, Mauricio Pochettino. Đến hôm nay, danh sách ấy dày thêm với Carlo Ancelotti, Frank Lampard, Marcelo Bielsa, Mikel Arteta..., người kinh nghiệm, kẻ mới mẻ. Chỉ tập trung vào Guardiola, Mourinho sẽ tự tiêu hao chính mình.
Hồi 2011, có một phóng viên Tây Ban Nha từng hỏi Guardiola rằng "trong 20 năm nữa, có cơ hội nào ông và Mourinho ngồi lại với nhau, ăn một bữa tối, và nói hết mọi chuyện?". Guardiola đã ngập ngừng, rồi gật đầu nói đại ý rằng "cũng có thể lắm". Câu trả lời đó khiến chúng ta băn khoăn "Liệu có bao giờ họ là bạn?".
Họ từng coi nhau là bạn, và Guardiola, chính khi nóng giận nhất với Mourinho ở cuộc họp báo trước bán kết Champions League 2010-2011 đã buột miệng nói ra. "Ông ấy và tôi đã làm việc với nhau bốn năm nên chúng tôi hiểu nhau hơn ai hết. Nhưng nếu ông ấy coi những chuyện trên truyền thông này quan trọng hơn tình bạn...", và Pep ngập ngừng một chút "...à, không phải tình bạn, mà là mối quan hệ giữa chúng tôi với nhau thì tuỳ".
Cái ngập ngừng ấy chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong mối quan hệ Guardiola - Mourinho. Nó là cái ngập ngừng của thứ lẽ ra có thể xảy ra nhưng cuối cùng lại bị chuyển hướng đột ngột. Nếu thời gian có thể quay ngược, và các tham số được đưa vào mối quan hệ này cũng khác đi, biết đâu chừng, họ chính là hai người bạn.
Có thể nói, lỗi là do... Barca, hay đúng hơn là do định mệnh. Việc là trợ lý của Bobby Robson, và sau đó là trợ lý của Van Gaal mang lại cho Mourinho hai điều. Thứ nhất, ông trưởng thành rất nhiều trong nghề huấn luyện, nghề mà ông say mê đến tột cùng. Thứ hai, ông có một tình yêu lớn cho Barca, một tình yêu thực sự. Nếu hỏi Mourinho có hiểu Barca không, câu trả lời chắc chắn là ít nhất ông cũng hiểu nó không thua kém gì Guardiola.
Vậy mà Barca đã không cho ông cơ hội nào, cho dù rằng ông từng nắm Barca B dưới thời Van Gaal. Và khi vào nghề, ông phải bắt đầu với các đội bóng không giàu tiềm lực. Chính vì thế, ông rèn đúc nên thứ triết lý thực dụng của mình, một thứ triết lý như "phản Barca" vậy. Đúng lúc ông rực rỡ nhất ở tuổi trẻ, tức là sau chức vô địch Champions League cùng Porto, nếu Barca trao cho ông cơ hội thay vì để ông sang Chelsea, rất có thể ông đã có một trang đời khác, và quan hệ với Pep Guardiola cũng khác.
Lý giải về tâm thế "chống Barca" của Mourinho nên bắt đầu từ đó. Rồi cộng hưởng thêm lần bị chối từ khi Rijkaard nghỉ việc, chúng ta hoàn toàn có thể dám chấp nhận phỏng đoán là Mourinho cảm thấy bực bội khi bị CLB mình rất yêu thích quay lưng. Nó như cảm giác mình không được chấp nhận lọt vào một cộng đồng. Nó cũng như cảm giác mình bị đánh giá không đủ năng lực. Và khi Pep thành công ở cương vị HLV, trong khi trước kia Mourinho cũng từng huấn luyện Guardiola, điều đó khiến Mourinho chĩa mũi dùi vào Guardiola, đặc biệt là lúc ông được nuôi dưỡng bởi một tinh thần đối nghịch ở Real.
Họ có thể trở thành bạn không? Hai con người thông minh, tuy tính cách trái ngược nhau vẫn có thể làm bạn, miễn là có sự bao dung và tôn trọng. Cách họ hành xử với cộng sự, cách họ bảo vệ học trò đều cho thấy cái chất đàn ông của mỗi người. Với chất đàn ông ấy, việc bỏ qua tị hiềm để làm bạn là có thể. Nhưng với điều kiện họ phải không còn làm công việc huấn luyện nữa bởi công việc này luôn dẫn họ đến chỗ đối đầu nhau.
Guardiola và Man City đang chịu nhiều áp lực từ Liverpool của Klopp. Tottenham đang chơi rất sắc bén dưới bàn tay nhào nặn của Mourinho và muốn lên ngôi vô địch, Mourinho cũng phải xử lý thách thức thương hiệu Đức. Vô tình, hai đại kình địch lại cùng chung một đối thủ lớn ở hoàn cảnh này. Biết đâu, chính đối thủ lớn ấy lại là thứ khiến họ bớt gay gắt với nhau hơn và từ những xã giao khởi đầu, mối quan hệ mà Guardiola nói ở trên sẽ được dưỡng lại để thành tình bạn. Tất nhiên, nó có thể chỉ là tình bạn đơn thuần bởi không ai có thể kiếm tìm được bạn thân ở tuổi ngũ tuần.
Song, những người yêu bóng đá, với sự vị kỷ của mình, có lẽ không bao giờ muốn có một tình bạn như thế. Nói gì thì nói, suốt hơn 10 năm qua, sự đối nghịch đến khốc liệt giữa Mourinho và Guardiola đã mở ra những trang xuất sắc của biên sử bóng đá. Họ chính là một phần rất lớn của cá tính bóng đá châu Âu cấp CLB suốt nhiều năm trời. Không có cuộc chiến giữa họ, bóng đá nhạt nhoà đi rất nhiều.
Nhưng có mong mỏi các cuộc khẩu chiến tưng bừng của họ bao nhiêu, ta cũng hi vọng Mourinho và Guardiola nhớ về một điều. Mourinho từng chọc tay vào mắt Tito Vilanova, người bạn thân của Guardiola. Và cũng ngón tay ấy từng chọc vào mặt Luis Fernandez. Ở cả hai lần đó, Guardiola đều bảo vệ bạn mình nhưng ở lần đầu tiên, tại San Mames, ông đơn thương độc mã chống lại tất cả những người Basque đang muốn ăn thua đủ với Mourinho. Trong số địch thủ định ăn tươi nuốt sống Mourinho ngày đó có Aitor Karanka, người sau này làm trợ lý cho ông ở Real.
Rõ ràng, Real và Barca đã thay đổi con người rất nhiều.
Chính môi trường ấy đã biến thù thành bạn và đẩy bạn đi xa thành thù...
Hà Quang Minh