Sáng 27/6, gia đình và bạn bè tổ chức lễ viếng và truy điệu giáo sư Phan Huy Lê tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). GS Mai Ngọc Chừ, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, khoa Đông Phương học, chia sẻ bài viết về ông.
Tin về thầy Phan Huy Lê qua đời khiến các thế hệ học trò và thầy cô giáo khoa Đông Phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội, đau thương vô hạn. Là thế hệ kế nhiệm, với chúng tôi ông không chỉ là nhà khoa học, người thầy với nhân cách lớn mà còn là người khai sinh ra ngành Đông Phương học, dấu ấn đậm nét cả trong nước và quốc tế.
Năm 1993, trong bối cảnh Đại học Tổng hợp Hà Nội đang có những chuyển đổi để trở thành Đại học Quốc gia Hà Nội như ngày nay, GS Phan Huy Lê đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đại học cho phép thành lập khoa Đông Phương học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ý tưởng sau nhiều năm ấp ủ của ông đã trở thành hiện thực vào năm 1995, khi khoa Đông Phương học được thành lập, mở ra ngành đào tạo và nghiên cứu hoàn toàn mới tại Việt Nam.
Mặc dù lúc đó bước vào tuổi 60, GS Phan Huy Lê vẫn không quản ngại nhiệm vụ nặng nề đảm nhận vai trò chủ nhiệm đầu tiên của khoa Đông Phương học. Ông định hướng ngay từ những ngày đầu là đào tạo, nghiên cứu đa ngành, liên ngành về khu vực học và đất nước học. Trong đó tập trung xây dựng năm bộ môn gồm Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học, Ấn Độ học và Đông Nam Á học.
Đặc biệt, ông luôn chú trọng việc giảng dạy các ngôn ngữ bản địa bên cạnh các môn học cơ bản mang tính liên ngành, tạo ra sự khác biệt so với các đơn vị đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành khác ở Việt Nam.
Qua hơn 25 năm, Đông Phương học đã trở thành một trong những ngành đào tạo hấp dẫn thí sinh trong các kỳ tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường khác có đào tạo chuyên ngành này trên cả nước. Ông đã thành công trong vai trò "bà đỡ".
Việc thành lập và định hướng phát triển khoa Đông Phương học của GS Phan Huy Lê thể hiện tầm chiến lược của một học giả có tầm nhìn tương lai. Ông xác định sứ mệnh của ngành là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khu vực học đáp ứng nhu cầu xã hội trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Cùng với đó là việc phát triển hoạt động nghiên cứu và cung cấp tri thức về Đông Phương học trong và ngoài nước cũng được đặt ở mức ưu tiên cao.
Với uy tín của mình, ông nhanh chóng tập hợp được đội ngũ tri thức trong và ngoài nước cùng gây dựng khoa Đông Phương học, mở đường cho ngành ghi dấu ấn học thuật trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế.
Trong số này có GS Lê Quang Thiêm, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về ngôn ngữ đối chiếu và từng là phó hiệu trưởng Đại học Tổng hợp cũ, cũng về chung tay phát triển ngành học mới tại Việt Nam. Tiếp đến là các giáo sư đầu ngành về sử học, ngôn ngữ học của Việt Nam được ông tập hợp, tạo nên một đội ngũ lãnh đạo khoa tuy non trẻ nhưng được coi là “huy hoàng” của Đại học Quốc gia Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước.
Từ chỗ đội ngũ giảng viên trong khoa vẻn vẹn chưa đến chục người, nay quân số tăng lên 32, trưởng thành vượt bậc về cả chất và lượng. Trong đó, có một giáo sư, ba phó giáo sư, 17 tiến sĩ, sáu nghiên cứu sinh và bốn thạc sĩ. 100% giảng viên cơ hữu của khoa đều được tu nghiệp tại nước ngoài.
Đó là kết quả của chiến lược dùng người và phát triển con người đã được định hình và phát triển từ những năm tháng đầu tiên dưới sự chỉ đạo của Ban chủ nhiệm khoa và cá nhân GS Phan Huy Lê.
Là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế, thời gian làm chủ nhiệm khoa Đông Phương học, GS Phan Huy Lê đã xây dựng mối quan hệ với các trung tâm nghiên cứu của Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Pháp, Hà Lan... Tầm nhìn chiến lược được xây dựng từ những ngày đầu, đến nay khoa hướng đến mục tiêu xây dựng thành Viện Đông Phương học vào năm 2020, kết hợp đào tạo và nghiên cứu tiệm cận với quy chuẩn của các đại học trong khu vực.
Công lao ấy, trước hết thuộc về thầy - người thắp lửa đêm Phương Đông. Thầy đi xa, trong trái tim mỗi cán bộ, học trò ngành Đông Phương học, hình ảnh người thầy với nụ cười đôn hậu và giọng nói ấm cúng mang âm hưởng miền Trung, chân thành không bao giờ phai nhạt. Tình cảm nồng hậu, thân thiện, cách xử lý ôn hòa, thấm đẫm giá trị nhân văn của thầy sẽ mãi mãi là nguồn động viên vô giá cho các thế hệ thầy và trò khoa Đông Phương học trong tương lai.
Xin vĩnh biệt thầy!
Giáo sư Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ông dự định chọn học Toán - Lý, nhưng GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh đã hướng ông vào học ban Sử - Địa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông để lại gia tài sách sử đồ sộ và cuối đời tâm huyết xây dựng bộ Quốc sự đồ sộ nhất từ trước đến nay. Là đại thụ của nền sử học Việt Nam, ông Phan Huy Lê được phong giáo sư năm 1980; nhà giáo nhân dân năm 1994; giải thưởng Nhà nước (2000); giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996); huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002); danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011); giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016). 13h06 ngày 23/6, giáo sư Lê qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). |
GS Mai Ngọc Chừ