![]() |
Hằng ngày, bà vẫn xuống các buồng bệnh thăm bệnh nhân. |
Quê ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam, song bà sinh ra và lớn lên tại Huế. Đến năm lớp 2, do cha chuyển vào công tác ở Lao Bảo, gia đình bà chuyển về Quảng Ngãi, quê bà ngoại sinh sống. Mùa hè năm đó, một loại dịch bệnh (bây giờ bà mới biết là bệnh lỵ) đã cướp đi 3 người em kế sau bà. Nhớ lại những ngày đau xót đó, GS Nhạn nói: “Trong nửa tháng, 3 người em tôi đã chết. Bản thân tôi cũng bị bệnh rất nặng, má tôi đã không thể giấu cha được nữa mà phải gọi ông về. Ông tức tốc đưa con gái vào bệnh viện thay vì chữa theo kiểu cúng bái, mời thầy lang. Sau lần đó, má tôi sa sút hẳn bởi cái chết bí ẩn của 3 anh chị (cứ sinh ra được mấy ngày rồi mất) vẫn còn ám ảnh, nay lại chịu thêm nỗi đau mất 3 người con".
Hình ảnh 3 người em ốm vật vã, gầy rộc đi rồi mất đã in sâu trong tâm trí bà Nhạn. Bà thầm nhủ mình phải làm một cái gì đó để không xảy ra những cảnh tượng đau lòng trên. Năm 1953, sau khi tốt nghiệp trường Lam Sơn, Thanh Hoá, Nguyễn Thu Nhạn là một trong số những người đầu tiên được cử đi du học Trung Quốc, chuyên ngành y khoa. Bà kể: "Hồi đó, bảo học y tôi cũng run lắm, toàn tiếp xúc với bệnh tật, mình lại nhỏ bé, nhưng bảo học chuyên khoa nhi, tôi ưng luôn bởi mong ước thuở nhỏ nay đã thoả lòng". Say sưa học tập và với thành tích xuất sắc, bà được cử đi học tiếp tại Liên Xô cũ.
Năm 1962 về nước công tác tại Bệnh viện trẻ em Hà Nội, bà không khỏi bỡ ngỡ bởi có những loại bệnh chưa từng tiếp xúc, như bệnh suy dinh dưỡng thể nặng. Trẻ mắc bệnh này thân hình phù nề và rất dễ chết sau khi được truyền máu và plasma. Năm 1972, về làm phó giám đốc Bệnh viện Nhi Thuỵ Điển, bà bắt tay vào nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu y học thế giới vào điều trị căn bệnh này. Thay vì truyền máu và plasma (rất tốn kém, nguy hiểm và không phải lúc nào cũng có) bà ứng dụng phương pháp ăn điều trị. Trẻ vào Khoa dinh dưỡng của bệnh viện được ăn một loại bột pam do nước ngoài tài trợ (thành phần gồm sữa bò và dầu thực vật). Chỉ sau 2 tuần, trẻ lớn lên trông thấy.
Tuy nhiên, thời đó bột pam không phổ biến, ở nông thôn, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn rất cao. Sau nhiều tháng trăn trở tìm tòi, bà tìm ra loại thức ăn có thể thay thế bột pam - sữa đậu nành. Bà hướng dẫn nhân viên bệnh viện tự tay bóc vỏ, xay đậu nành, lọc, và nấu thành sữa cho trẻ uống. Với nguyên liệu dễ kiếm, cách làm đơn giản, các bà mẹ hưởng ứng rất nhiệt tình. Phương pháp uống sữa đậu nành để điều trị suy dinh dưỡng được nhân rộng trên toàn quốc, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 32% trước năm 1980 xuống 2% năm 1998.
Bà tâm sự: “Ngày ấy để thuyết phục mọi người thay đổi một phương pháp điều trị đã quá quen thuộc quả là vất vả. Hầu như không ai tin rằng chỉ bằng cách ăn đúng, đủ chất là có thể chữa được suy dinh dưỡng. Trong các hội nghị khoa học phổ biến kinh nghiệm điều trị, nhiều người phản đối gay gắt, kiên quyết duy trì phương pháp truyền máu. Ngay cả các bà mẹ cũng rất nghi ngờ, được phát bột pam, họ không cho con ăn mà để dành nuôi lợn. Hay khi nấu bột lên, cho dầu vào, váng sữa nổi lên, nhiều chị đã hớt vứt đi. Tôi phải thuyết phục, thậm chí phải cam kết với họ là cứ cho con ăn, nếu có vấn đề gì bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm”.
Dù đã thôi đảm nhận cương vị giám đốc Bệnh viện Nhi từ năm 1997, nhưng người phụ nữ gần 70 tuổi này vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Với tư cách là Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam, có dịp đi nước ngoài nhiều, tiếp xúc với những thành tựu khoa học của thế giới, bà rất nóng lòng muốn được áp dụng ở Việt Nam. Cuối năm 1999, căn bệnh giãn tĩnh mạch chân khiến việc đi lại của bà rất khó khăn, có khi phải ngồi xe lăn, nhưng trong ngôi nhà ở phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, bà vẫn miệt mài với đề tài Điều tra cơ bản cả nước về thực trạng sức khoẻ và mô hình bệnh tật trẻ em Việt Nam vào cuối thể kỷ 20. Giáo sư kể: "Bác sĩ khuyên phải nghỉ ngơi, điều dưỡng, nhưng công việc nhiều quá, có hàng nghìn số liệu phải tổng hợp, nên tôi cứ làm việc được một tiếng lại nghỉ nửa tiếng".
Hiện nay, GS Nhạn chủ trì đề tài hợp tác quốc tế về sàng lọc sơ sinh để kiểm soát các bệnh rối loạn bẩm sinh về nội tiết, chuyển hoá và di truyền. Bà trăn trở: “Ở Mỹ và Pháp, họ đã làm sàng lọc sơ sinh (lấy vài giọt máu của trẻ để làm xét nghiệm) từ những năm 1950. Tôi cứ nghĩ phương pháp này vừa đơn giản, chỉ tốn khoảng một trăm nghìn mà có thể phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời, thế tại sao người ta làm được mà mình không làm được". Đề tài đang được triển khai ứng dụng ở Hà Nội, sắp tới sẽ là TP HCM và Đà Nẵng, tuy nhiên cũng vấp phải nhiều khó khăn. Nhận thức người dân còn thấp, họ không hài lòng khi thấy y tá dùng bơm kim tiêm lấy máu con mình. Các y tá cũng không mặn mà lắm với việc này bởi họ không được bồi dưỡng, trong khi mỗi ngày có hàng trăm trẻ sinh ra.
Giáo sư tâm sự về cuộc sống gia đình: “Chồng tôi, ông Nguyễn Đình Tứ, từng là Bộ trưởng GD&ĐT, mất cách đây mấy năm. Hai con trai đều là nhà khoa học, một là tiến sĩ năng lượng nguyên tử, một là tiến sĩ vật lý hạt nhân. Còn về tài nội trợ thì tôi rất xoàng. Mẹ tôi sống ở Huế, đảm đang khéo léo, các em gái được mẹ chỉ bảo cũng rất khéo. Riêng tôi chỉ thích công việc xã hội nên toàn trốn việc bếp núc, cứ đụng đâu đổ đó”.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài ngoài có dịp tiếp xúc với GS Nhạn đều khâm phục bởi đằng sau con người nhỏ bé ấy là những dự định, nung nấu đem vốn kiến thức nhi khoa của mình để làm giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. Cũng vì vậy, nhiều đồng nghiệp và cả bệnh nhân vẫn gọi bà là mẹ, người bảo mẫu của trẻ em.
Như Trang