Trực tiếp chứng kiến cảnh người dân, du khách xô đẩy, tranh cướp lễ vật tại hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) mùng 6 Tết vừa qua, GS Nguyễn Chí Bền - Nguyên viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - đánh giá đây là việc làm đáng xấu hổ, phải lên án mạnh mẽ. "Tình trạng này nếu cứ tái diễn và ngày càng tệ hại hơn sẽ làm giảm giá trị của tự bản thân lễ hội, đồng thời khiến UNESCO nhìn nhận lại di sản mà họ đã công nhận, có thể dẫn tới tước danh hiệu", Ủy viên hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói.
Trực tiếp tham gia làm hồ sơ về lễ hội Gióng (Sóc Sơn) trình UNESCO, GS Bền cho biết, việc cướp lễ vật là bình thường "xưa đã có", nhưng không có tình trạng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, dùng gậy tre đánh người như vừa qua.
Nguyên nhân của hiện tượng trên, theo GS Bền, đến từ cả 2 phía: ban tổ chức và người dân tham gia. Việc ban tổ chức trao quyền cho người bảo vệ đám rước được sử dụng gậy gộc trấn áp, đánh lại những đối tượng quá khích dẫn đến bức xúc cho đôi bên.
"Sao ban tổ chức không đổi mới mô hình tổ chức lễ hội là thông báo cho du khách biết đã có đầy đủ lễ vật cho họ mang về nhà làm lộc, để người dân có thể trật tự xếp hàng hoặc lấy lộc một cách văn minh, không cần tranh cướp? Phải thừa nhận rằng nhu cầu tín ngưỡng của người dân hiện nay rất cao, nhưng nếu anh tổ chức tốt, để mọi người yên tâm được thực hiện tín ngưỡng của mình thì sẽ không xảy ra lộn xộn, đánh nhau", GS Bền nói.
TS Dân tộc học Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở Văn hóa Lào Cai) cũng cho rằng, tình trạng đánh lộn trong hội Gióng (Sóc Sơn) và một số lễ hội khác như cướp phết ở Vĩnh Phúc, Hiền Quan (Phú Thọ)... là do ban tổ chức làm không tốt trách nhiệm, đồng thời không hiểu rõ ý nghĩa của nghi thức.
Theo ông Sơn, cướp bông tre hay cướp phết chỉ là hình thức diễn để chuyển năng lượng thiêng đến cả cộng đồng nên có năm hội phụ nữ, hội người cao tuổi chiến thắng. Cơ chế thị trường ngày nay làm người ta có suy nghĩ lấy được lễ vật về mình là sẽ được lộc cả năm. Do đó, họ ra sức tranh cướp bằng sức mạnh, vũ lực, biến hình thức diễn mang tính biểu tượng văn hóa thành hành vi bạo lực.
Ban tổ chức đôi khi cũng không hiểu rõ ý nghĩa của nghi thức để tuyên truyền đúng cho người tham gia lễ hội. Họ không hiểu được lễ hội ngày nay đã không chỉ phục vụ cho làng xã mình mà là cho cả khu vực, quy mô lớn hơn, cần có nghệ thuật tổ chức sao cho đảm bảo được an ninh trật tự.
"Hiện tượng đánh lộn khi cướp hoa tre ở hội Gióng, cướp phết ở Hiền Quan là biểu hiện cực đoan, không hiểu truyền thống, là hành vi thiếu văn hóa, đáng phải lên án. Chúng ta cần khắc phục sớm tình trạng này, nếu không nghi thức thiêng liêng sẽ bị phá vỡ và người ta cũng không dám tổ chức nghi thức, lễ hội dễ gây ra hành vi bạo lực nữa", TS Dân tộc học nhấn mạnh.
Để giải bài toán đánh nhau tranh cướp lễ vật này, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, trước hết phải giáo dục chính xác ý nghĩa của các lễ hội để người dân có nhận thức và hành vi đúng khi tham gia. Tiếp đó, phải lựa chọn ban quản lý lễ hội một cách cẩn trọng. Nếu ban tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng lộn xộn, đánh nhau, cần kỷ luật luôn hoặc cấm tổ chức lễ hội trong những năm tiếp theo cho đến khi an ninh được đảm bảo. Công an nên vào cuộc xử lý các đối tượng đánh lộn nhằm răn đe, giáo dục.
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, chuyện đánh nhau ở hội Gióng (Sóc Sơn) đã xảy ra khoảng 3-4 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là người ta kiếm cớ trả thù lẫn nhau có chủ ý chứ không phải là hành động tranh cướp lễ vật theo phong tục.
"Có năm tôi đi dự hội Gióng, thấy một thanh niên đã trả thù một thanh niên khác. Họ không tuân thủ nguyên tắc của tục cướp hoa tre và những người bảo vệ lại làm hơi quá khi cầm gậy đánh lại", GS Thịnh nói và cho rằng để một phong tục rất đẹp trở thành chuyện bị lợi dụng, xô xát là điều đáng đáng tiếc. Nhưng nếu lãnh đạo chưa hiểu rõ vấn đề và muốn giấu việc xấu đi thì mâu thuẫn sẽ kéo dài và không biết đến khi nào mới được giải quyết.
Trước đó ngày 24/2 (mùng 6 Tết), tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng hàng chục thanh niên lao vào giằng xé, xô đẩy để tranh cướp lộc. Video quay lại cảnh một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống cầm thanh tre vụt lại đám đông cướp lộc gây hỗn loạn. Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội và ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn, phủ nhận chuyện đánh người.
"Hỗn chiến" ở hội Gióng đầu xuân cũng như tình trạng hỗn loạn trong lễ hội cướp phết cầu may (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, mùng 7 tháng Giêng vừa qua) làm dấy lên sự bức xúc về tình trạng mất an ninh trật tự trong các hoạt động văn hóa.
Sáng 26/2, UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo gửi Sở Văn hóa Hà Nội về sự việc tại hội Gióng. Văn bản nêu rõ có hiện tượng tranh giành, hỗn loạn khi cướp kiệu hoa tre tại lễ hội, nhưng không có yếu tố gây mất trật tự an ninh và chưa đến mức phải xử lý về mặt pháp lý. Sự việc báo chí phản ánh chỉ là xô xát giữa đội bảo vệ kiệu hoa tre và những thanh niên cướp kiệu hoa tre. Huyện Sóc Sơn xin được rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở những trường hợp hơi "quá tay" của đội bảo vệ kiệu hoa tre. Ngày 16/11/2010, tại thành phố Nairobi, thủ đô của Kenya, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Thánh Gióng được tổ chức hàng năm từ ngày 6 đến 12/4 âm lịch. Đây là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Trong lễ hội sẽ có những màn diễn xướng độc đáo thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. |
Quỳnh Trang