GS Ngô Bảo Châu dành một buổi chiều cho sinh viên ĐH Quốc gia trong chuyến về nước công tác. Ảnh: HT. |
Trở về Việt Nam một tuần để giải quyết các công việc của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, GS Ngô Bảo Châu dành một buổi chiều 16/12 để chia sẻ với sinh viên câu lạc bộ Khoa học trẻ của ĐH Quốc gia Hà Nội trong chương trình “cà phê số 5”. Giáo sư nhấn mạnh, tính chuyên nghiệp trong khoa học hay bất cứ hoạt động lao động nào đều có 2 điểm chính là quy trình và phẩm chất.
“Tôi may mắn có môi trường giáo dục tốt, có những người cha, người anh trong khoa học, dẫn dắt từng bước, làm sai được sửa nên quy trình nghiên cứu đã thấm vào máu thịt. Nhưng trong điều kiện nước ta thì cần thiết phải nói rõ quy trình làm khoa học như thế nào”, GS Châu cho hay.
Theo anh, có 10 bước để nghiên cứu khoa học. Trước hết, phải xác định được lĩnh vực nghiên cứu. Điều này phụ thuộc vào khả năng chuyên môn của từng người, thường thì là lĩnh vực mà người đó được coi là chuyên gia, có thành tích nổi bật. Cũng có trường hợp người đó có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực khác nhưng cả 2 trường hợp đều phải có hành trang là có người hướng dẫn, xác định được đường đi để tự tin chứ không phải đi tay không đến xứ sở mới.
Điểm xuất phát của nghiên cứu bắt đầu bằng câu hỏi. Thành công của nghiên cứu liên quan nhiều đến câu hỏi ban đầu. Để tìm ra câu hỏi đúng thì cần có kinh nghiệm nghiên cứu. Trong môi trường hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, sinh viên tự xác định được câu hỏi là việc khó vì chưa có kinh nghiệm. Cách nhanh nhất để xác định những vấn đề nóng hổi và không tưởng là phải tham gia các hội thảo khoa học để xem khoa học đang đi về đâu, vấn đề gì sinh viên có thể làm được.
Sau phạm vi nghiên cứu, vấn đề, cơ hội, xác định câu hỏi thì những người làm nghiên cứu phải tập hợp tất cả những bài báo, công trình nghiên cứu khoa học để biết chính xác câu hỏi đã được giải quyết đến đâu. Không nên chọn những vấn đề quá khổ, quá khó hoặc không ai quan tâm nữa. Phải đọc và xác định đâu là bài báo kinh điển, biết được tư tưởng quan trọng nằm ở đó, ai đã từng làm, làm đến đâu, sử dụng kĩ thuật gì.
“Cách đây 20 năm là khó, nhưng với Internet hiện nay việc tập hợp thông tin rất dễ. Nhưng để đọc được không đơn giản. Lúc này cần phải có môi trường khoa học, bạn bè cùng khám phá đề tài. Họ phải tự nguyện, phi vụ lợi”, GS Châu nói và cho hay, khi cập nhật thông tin rồi phải biết hướng giải quyết, nó thường nằm ngay trong bài báo gần nhất, người nghiên cứu phải sử dụng phương pháp đương đại nhất vì đó là hướng hiện thực và khả thi nhất.
Giáo sư cũng nhắc nhở, việc lập kế hoạch không đơn thuần là về chuyên môn mà còn là về mặt tài chính và phải có đội ngũ làm việc đó. Bước này mọi chuyện phải minh bạch. Khi giải quyết các vấn đề, người nghiên cứu phải lường trước những khó khăn để chuẩn bị đối mặt. Quá trình nghiên cứu ít khi thực hiện được 100% mục tiêu nên làm đến 1 mức nào đó thì cần gói ghém lại, làm rõ những việc làm được và chưa làm được. Bước này là tiền đề cho khoa học tiếp theo.
Một bước quan trọng là viết bài báo khoa học. Theo kinh nghiệm của GS Châu, cần chọn 2 - 3 bài báo chuẩn để chép tay lại, từ đó hiểu phong cách trình bày bài báo. Sau khi viết xong thì luân chuyển, gửi cho bạn bè, đồng nghiệp để xin ý kiến và trình bày ở hội nghị để nhận phản hồi sau đó viết lại rồi chỉnh sửa để gửi đến 1 tạp chí khoa học uy tín.
“Phẩm chất cho một công trình khoa học phải đảm bảo đúng, trung thực, mới và hay. Thực tế đã có những người nghiên cứu vì một số lí do đã không trung thực và mất uy tín vì những nguyên nhân không đáng có đó. Các bạn nên nhớ với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự gian dối rất dễ dàng bị phát giác. Khi đó bạn sẽ phải mất 10 - 20 năm để xây dựng lại vị trí và uy tính cho mình”, GS Châu nhắn nhủ.
Anh cũng cho rằng, khi nghiên cứu khoa học có nhiều cái mới thì kết quả mới là quan trọng nhất. Trong trường hợp kết quả cũ thì để thuyết phục phương pháp phải rất mới. Thực tế, với tư cách làm biên tập cho một tạp chí, anh thường coi trọng kết quả mới. Khi kết quả không mới thì phải xem xét rất lâu mới đăng.
Nguyên tắc của khoa học ở đâu cũng giống nhau và tính chuyên nghiệp của khoa học theo cùng quy trình. Cái khác là ở những nước có truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời quy trình đã trở thành điều tự nhiên, nhưng ở Việt Nam chưa có được, đòi hỏi người nghiên cứu thực sự có ý thức thực hiện.
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức nêu ví dụ, có hai nhóm người du lịch từ Pháp hay châu Âu đến Việt Nam, khi đến chùa chiền đều tìm sự phát triển rất kỹ. Nhóm khách châu Á thì thích chụp ảnh hơn. Qua đó thấy được văn hóa tìm tòi, phát hiện, nghiên cứu…có sự khác biệt rất rõ.
“Điều đáng buồn hoạt động khoa học thiếu vắng seminar nghiêm túc mà không tốn kém. Seminar không chỉ học cái mới mà còn thông qua trao đổi thúc đẩy sáng tạo và say mê nên phải duy trì thường xuyên”, GS Châu nói và cho hay, ở nước ngoài, ngành Y dược đòi hỏi nghiên cứu lớn nên nằm ngoài tài chính, chi phí quốc gia.
Hoàng Thùy