Chia sẻ này của Giáo sư Bảo Châu tại Ngày hội Toán học mở 2020 do Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức và bảo trợ chuyên môn vào ngày 4/10 ở Đại học FPT Cần Thơ nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Ngoài chia sẻ phương pháp học toán, GS. Ngô Bảo Châu còn nói về bài giảng "Toán học từ cổ điển đến hiện đại". Theo Giáo sư, người học 6 - 66 tuổi, đều có thể nghe hiểu câu chuyện về Toán học. Sau bài giảng, nhà Toán học dành thời gian giao lưu với khán giả tham gia sự kiện.
Trong phần giao lưu, GS. Ngô Bảo Châu đã vài lần không tìm được câu trả lời thật sự phù hợp cho các câu hỏi đa dạng của những bạn học sinh đến từ THPT FPT Cần Thơ, THCS An Hoà 2 hay THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đặc biệt câu hỏi về cách đối xử "nhất bên trọng nhất bên khinh" với số Tau và số Pi, GS. Ngô Bảo Châu đánh giá đây là bài toán hóc búa. Vị giáo sư trả lời: "Về mặt nguyên tắc 2 số đó phải được đối xử bình đẳng".
Đứng trước câu hỏi giữa việc học Toán để lấy điểm cao, để vượt qua các kỳ thi và học Toán với niềm đam mê đơn thuần, GS. Ngô Bảo Châu đưa ra quan điểm: "Với học sinh, sinh viên hay người đã trưởng thành, chúng ta đều có những việc buộc phải hoàn thành, nhưng không thể vì thế mà bỏ hết niềm vui. Các em cần yêu Toán, chứ không phải coi môn học này như là lao động khổ sai, thì mới học, thi Toán tốt được".
Với những bạn học sinh học kém môn Toán, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng các bạn đã lỡ nhịp ở một bước nhảy tư duy về Toán rồi vướng mắc. Các bạn này cần trao đổi với thầy cô hướng dẫn mình để tìm ra các điểm vướng và khắc phục.
GS. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, lớp 6 - 7 là thời điểm rất tốt để bùng nổ tình yêu Toán học ở trẻ. Bởi đây là thời điểm đã qua giai đoạn số học bình thường, tiếp cận với các khái niệm mới. Đây là thời điểm phụ huynh và thầy cô giáo thực sự cần dung dưỡng và khơi dậy cảm hứng khám phá của trẻ với Toán học.
Tại sự kiện, GS.TSKH Đỗ Đức Thái và TS. Đỗ Thanh Hà cũng có những bài giảng chuyên biệt dành cho từng đối tượng.
Trong bài giảng "Dạy học phát triển năng lực toán học theo Chương trình môn Toán mới: Một số vấn đề về lí luận và thực tiễn", GS.TSKH. Đỗ Đức Thái đã trao đổi cùng các thầy cô giáo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo về quan điểm xây dựng chương trình môn toán: "Toán học dứt khoát phải được dạy và dành cho mọi người, mọi trẻ em trên mọi vùng miền. Toán học dứt khoát không được trở thành xa xỉ phẩm dành riêng cho một số nhóm học sinh. Đối với các thầy cô giáo, đừng dạy cho học sinh cái mình có mà phải dạy cho học sinh cái các em cần trong cuộc đời sau này".
Qua bài giảng "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc sống: Hỗ trợ chẩn đoán bệnh qua dữ liệu hình ảnh", TS Đỗ Thanh Hà khẳng định, AI có giá trị to lớn trong lĩnh vực y tế và cụ thể là chẩn đoán bệnh sớm bằng hình ảnh.
Song song với việc lắng nghe các bài giảng chuyên môn, tại sự kiện, khán giả còn được tham gia hàng loạt hoạt động trải nghiệm Toán học thông qua những trò chơi, mô hình, hay lập trình Toán học ngay tại Ngày hội.
Gian hàng của các đơn vị về giáo dục toán (Toán IQ, toán cho trẻ em, toán tiếng Anh, toán cho học sinh, toán cho sinh viên), về STEM (Robotics, American Stem, mô hình CLB Stem), các đơn vị xuất bản sách cũng góp mặt tại ngày hội với nhiều đầu sách hữu ích.
Ngày hội Toán học mở được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức 6 năm tại Hà Nội, TP HCM và Quy Nhơn. Năm 2020, sự kiện có chủ đề "Mathematics is Everywhere" (Toán học ở khắp mọi nơi) lần đầu tiên được FPT Edu tổ chức tại Cần Thơ, giúp Toán học trở nên gần gũi, trực quan, sống động và dễ hiểu hơn với mọi người.
Nguyễn Lê