Sau khi cùng các thủ khoa làm lễ dâng hương tại Văn Miếu, GS Ngô Bảo Châu cùng ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn, Ngọ Duy Hiểu, Bí thư thành đoàn Hà Nội, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng các thủ khoa.
Rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi cho GS Ngô Bảo Châu và thật lòng chia sẻ "em thần tượng anh từ lâu, tìm hiểu về anh rất nhiều nhưng hôm nay mới có cơ hội được gặp mặt". Trước đề nghị của một nữ thủ khoa về việc chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, bất cứ ai cũng sẽ gặp phải những vướng mắc trong cuộc sống.
"Khi chúng ta kỳ vọng đạt được một điều gì đó, cảm giác thất bại trong quá trình thực hiện là thường xuyên bởi để đạt được điều mong muốn phải trải qua nhiều gian nan", anh nói.
GS Ngô Bảo Châu cười tươi trước các câu hỏi của thủ khoa. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Một người bạn của giáo sư Châu từng nói với anh rằng, anh làm toán rất khổ sở, 100 ngày thì có 99 ngày khổ, chỉ có một ngày vui nhưng sau đó lại quay trở lại cái vòng đó. Tuy nhiên, anh lại nghĩ, trong cái vất vả gian nan của chặng đường làm khoa học, nếu mình thành thật với chính mình thì trong thất bại đã có mầm mống của thành công. "Chúng ta cần phải trải qua khó khăn và cố gắng chờ đợi, khi số phận mỉm cười với mình, chúng ta sẽ biết nắm bắt được bởi đã có kinh nghiệm trước đó", giáo sư nói.
Các thủ khoa cũng băn khoăn, trong thời gian tới GS Ngô Bảo Châu sẽ có kế hoạch cống hiến gì cho đất nước. Vị giáo sư trẻ tâm sự, phần lớn thời gian của anh là sinh sống tại Mỹ, làm việc ở ĐH Chicago. Anh được nhà nước giao trọng trách làm giám đốc viện Toán cao cấp nên hàng năm vào dịp hè, anh trở về nước làm việc.
Bên cạnh đó, trong những thời gian khác, GS Ngô Bảo Châu cũng thường xuyên trao đổi công việc với lãnh đạo Viện Toán cao cấp ở trong nước, bàn về hoạt động và cải tạo công tác khoa học của Viện.
Anh chia sẻ, từ năm ngoái anh đã rất quan tâm đến các vấn đề xã hội trong nước. Anh đang lập kế hoạch xây dựng quỹ tiếp sức cho các nhà trí thức nghiên cứu khoa học. Đây là kế hoạch lâu dài được nhiều anh em, bạn bè, tổ chức giúp đỡ.
"Quỹ có tên là Hạt vừng bởi từ trong câu chuyện hạt vừng tuy nhỏ bé nhưng mở ra cánh cửa mới. Tôi hy vọng cánh cửa tri thức của Việt Nam sẽ có tầm cao hơn", GS Châu nói và cho hay, anh đang cùng Nhà xuất bản Trẻ làm tủ sách cho người dân. Đây không chỉ là tủ sách về khoa học mà bao gồm nhiều kiến thức khác với mong muốn xã hội có nhiều người yêu sách, cùng đọc sách như anh và những trí thức khác.
GS Ngô Bảo Châu giữa vòng vây các thủ khoa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thủ khoa Dương Thanh Long của Đại học FPT nhờ GS Châu tư vấn về phương pháp để luôn giữ niềm đam mê. Anh tâm sự, trong quá trình làm khoa học khó nhất là giữ được niềm đam mê để làm được dài lâu. Theo anh đam mê không phải tự nhiên mà có, đó là nhờ sự rèn luyện và phát huy quyết tâm của mình.
Với GS Châu, cách giữ đam mê tốt nhất là phải giữ con mắt mình tươi trẻ, con mắt của trẻ thơ bởi nó có sự tò mò, kích thích sự tìm hiểu vạn vật. Một đứa trẻ bao giờ cũng thắc mắc, hỏi tại sao lại thế và đó chính là điều quan trọng để luôn có đam mê.
*Ảnh: GS Ngô Bảo Châu với thủ khoa xuất sắc |
Ngoài những kinh nghiệm quý báu của GS Ngô Bảo Châu, các thủ khoa còn nhận được rất nhiều lời khuyên của các vị khách mời. Ông Hồ Quang Lợi nhắn nhủ, mỗi thủ khoa xuất sắc hãy luôn lấy GS Ngô Bảo Châu làm gương - một tâm hồn Việt trong một nhà khoa học lớn. "Dù đi đâu, làm gì, ở phương trời nào cũng phải luôn nhớ mình là người Việt Nam", ông nhắc nhở.
Anh Nguyễn Đắc Vinh thì cho rằng, các thủ khoa bước đầu đã có những thành công nhất định trong công việc. Anh hy vọng, mỗi thủ khoa hãy kiên trì và quyết tâm để có thể làm được mọi việc, dù là gian khó nhất.
Thủ lĩnh đoàn của tuổi trẻ thủ đô, người từng là sinh viên xuất sắc của ĐH Luật - anh Ngọ Duy Hiểu nhắn nhủ, mỗi thanh niên, mỗi thủ khoa cần phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đó là một biểu hiện của lòng yêu nước.
Hoàng Thùy