Sáng 9/3, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến nhân dân vào Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Việc đặt ga ngầm tuyến đường sắt số 2 cạnh hồ Gươm gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ: Ngọc Thành. |
Tại cuộc trưng bày, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, nằm cạnh nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Bút, tượng đài Cảm tử,... "là nơi linh thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm nên nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người".
Nhà sử học cho biết, vị trí ga ngầm lúc đầu định đặt hoàn toàn trên đường Đinh Tiên Hoàng. Trong khi đường Đinh Tiên Hoàng do Pháp mở, có một số công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. "Tôi đã phản đối phương án này và đề xuất nhích ga ngầm về phía đền Ngọc Sơn, đồng thời tổ chức các lối lên xuống ở xa ga ngầm" ông Lê Văn Lan cho biết.
Qua xem xét quy hoạch được trưng bày lần này, nhà sử học bày tỏ đồng tình vì nhận thấy Hà Nội đã tiếp thu ý kiến nêu trên. Ông nhấn mạnh: "Ban quản lý đã tính toán đầy đủ và theo tôi, đây là lúc cần tập trung thông tin cho người dân về quy hoạch nhà ga này để tạo sự đồng thuận, bớt đi sự phức tạp do tính nhạy cảm của nó", GS Lan nói.
Nhà nằm sát khu vực sẽ xây dựng các công trình ga C9, ông Tạ Khắc Hải (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) cho biết, sau khi xem các bản vẽ quy hoạch và trực tiếp nghe Ban quản lý giải thích, ông hài lòng và mong muốn dự án sớm triển khai.
Ga ngầm sẽ ảnh hưởng đến không gian Hồ Gươm
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ vị trí ga C9, nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại. KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) cho hay, việc đặt ga ngầm ở Hồ Gươm đã được thảo luận nhiều lần và dư luận chưa hết băn khoăn.
Vị trí và kiến trúc cửa lên xuống số 3 của ga ngầm C9 nằm sát hồ Gươm. Ảnh phối cảnh của MRB. |
Theo ông Ánh, Hà Nội đã thành công trong việc tổ chức không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, làm nên sự hài hoà trong bức tranh đô thị. Nhưng nếu xây ga C9 cạnh Hồ Gươm, sẽ làm tăng lưu lượng người và phương tiện và như vậy là mâu thuẫn với mục đích của việc tổ chức không gian đi bộ - tạo một không gian tĩnh ở trung tâm Thủ đô.
KTS Ánh cho biết, đã nhiều lần giới kiến trúc sư có ý kiến đưa vị trí ga lùi xa Hồ Gươm; có ý kiến đề nghị dịch chuyển ga về phía sông Hồng để tạo ra những giá trị đô thị mới và bảo tồn nguyên vẹn không gian Hồ Gươm.
Nhiều người dân đến xem và góp ý kiến vào Quy hoạch tổng mặt bằng nhà ga C9. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cũng phản đối xây ga ngầm cạnh Hồ Gươm, ông Hoàn Thế Vinh (quận Đống Đa) cho rằng, người dân và du khách đến tham quan Hồ Gươm bởi nơi đây luôn tạo cảm giác yên tĩnh, thư thái.
"Nếu lắp đặt nhà ga ở đây sẽ khiến cho lượng người đi lại quá đông, không còn giữ được sự yên tĩnh của những nơi tôn nghiêm, ảnh hưởng đến các di tích lịch sử", ông Vinh chia sẻ băn khoăn.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân diễn ra trong 3 tuần (từ ngày 9-31/3), sau đó ban sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh quy hoạch và dự kiến trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.
Thiết kế ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm
Theo quy hoạch tổng mặt bằng, nhà ga chính C9 được xem xét bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm, dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m. |
Võ Hải