Ngày 8/9, tại Hà Nội, GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục gây xôn xao dư luận vì cách đánh vần lạ, đã chia sẻ về cuốn sách.
Cuốn sách tâm huyết nhất
GS Đại cho biết đã viết lại bản thảo Tiếng Việt lớp 1 và có sự đóng góp của nhiều người. "Tôi có cái may mắn rất lớn là dùng những thành tựu của nhân loại chứ không phải tự sáng kiến ra. Ví dụ tiếng Việt lớp 1 là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, tổng kết lại làm giáo trình cho sinh viên năm 3 Đại học Tổng hợp Lomonosov năm 1977. Năm 1978 tôi đưa vào lớp 1 dạy khóa đầu tiên ở trường Thực nghiệm", ông nói.
Chương trình Công nghệ giáo dục nói chung và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục nói riêng được giáo sư Đại xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông Đại nhận thức rõ phương pháp của mình dễ bị phản ứng do khác biệt với cách dạy truyền thống là thầy giảng thật hay, học trò chỉ cần thụ động ghi nhớ.
Với sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, học sinh ban đầu chỉ học về tiếng - âm thanh nghe được thay vì học chữ - vật thay thế tiếng, như sách truyền thống. Sau đó các em sẽ được tiếp cận các thuật ngữ khoa học của ngữ âm học, luật chính tả. "Học sinh ở bất cứ vùng miền nào nước ta, dù đến trường hay không, khi học sách của tôi hết lớp 1 có thể đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bị tái mù", ông Đại khẳng định.
Nhiều lần khẳng định cuốn sách hiệu quả, ưu việt, giáo sư chốt lại: "Nếu cả công trình Công nghệ giáo dục của tôi là vô nghĩa thì Tiếng Việt lớp 1 là thứ an ủi tôi. Nó là cuốn sách công phu, tâm huyết nhất của tôi, tổng kết được cả lý thuyết, triết lý giáo dục tôi hướng tới".
"Mấy chục năm bao nhiêu người ghét tôi và chương trình của tôi"
Trước câu hỏi cảm thấy thế nào khi dư luận chê bai, đòi tẩy chay Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, GS Đại khẳng định không tức giận trước phản ứng của dư luận, bởi “nó không đáng”, những người bức xúc là do "hiểu biết kém" và "tôi không chấp". “Mấy chục năm nay bao nhiêu người ghét tôi và chương trình của tôi, nhưng có làm được gì đâu. Trường Thực nghiệm vẫn còn đó”, ông nói.
Về câu hỏi vì sao khẳng định sách ưu việt, nhưng không được triển khai trên cả nước, ông Đại cho rằng chương trình không thể đưa vào đại trà dù được thẩm định là có hiệu quả bởi "lợi ích nhóm".
"Chương trình nói chung và sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục nói riêng sẽ tồn tại vĩnh viễn, là công trình của lịch sử chứ không còn là của cá nhân. Minh chứng là nó được học sinh chấp thuận và hiện nay có đến 800.000 em ở 50 tỉnh thành theo học", GS Đại trả lời về tương lai của cuốn sách khi sắp tới thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Giáo sư 82 tuổi minh chứng thêm tính hiệu quả của cuốn sách bằng câu chuyện một học sinh lớp 1 muốn được nghỉ học thêm sau đợt nghỉ Tết dài ngày đã chia sẻ với người bố. Ông này nói rằng, nếu con muốn thì phải viết đơn. Học sinh đó đã viết được một lá đơn xin nghỉ thật sự, dù mới học hết học kỳ đầu lớp 1. Điều này phương pháp, sách giáo khoa đại trà không thể làm được.
"Triết lý giáo dục của tôi là mỗi người phải được là chính mình"
Trong buổi trao đổi kéo dài hai tiếng rưỡi (từ 9h đến 11h30), GS Hồ Ngọc Đại dành phần lớn thời gian nói về quá trình sang Nga làm nghiên cứu sinh tâm lý học, học được nhiều điều. Trở về nước, ông muốn tạo ra một nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử.
"Tôi mong muốn nền giáo dục mà mỗi người được là chính mình, không so sánh với ai cả. Chúng ta mấy ngàn năm có những câu như tôn sư trọng đạo, ngàn năm đầu óc nô lệ nặng quá. Thời xưa phân chia đẳng cấp, giai cấp, thời chúng ta sống là thời của những cá nhân", ông Đại nói.
Giáo sư phê phán việc người lớn lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ, áp đặt tư tưởng, mong muốn của mình lên trẻ. Cách giáo dục đó là "lỗi thời, tàn bạo", bởi mỗi cá nhân có bản sắc riêng. Hãy để trẻ được tự xác lập cuộc sống của mình theo cách của các em.
"Khi có thế hệ trẻ em mới, chúng ta cần có một nền giáo dục mới. Nền giáo dục đó phải giúp học sinh được tận hưởng những thành tựu đã có của nhân loại và tạo ra những cái mới", GS Đại nói. Ông tự tin nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết không thể bắt bẻ là triết học, tâm lý học, lại có kỹ thuật tốt là công nghệ giáo dục hỗ trợ.
Mở trường Thực nghiệm, theo GS Đại là cách làm có ý nghĩa nhất và trách nhiệm nhất với đất nước. Rất tiếc trường Thực nghiệm và cả trường quốc tế đầu tiên ông mở đã được chuyển giao cho người khác.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.
Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố có trường dùng cuốn sách này.