"Quan điểm xây dựng chương trình môn Toán theo chương trình phổ thông 2018 là tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo", GS Đỗ Đức Thái (Trưởng khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết tại Ngày hội Toán học mở 2019 tổ chức tại TP HCM ngày 24/11.
Điều này trái với mục tiêu của việc dạy hiện nay là học sinh phải biết nhiều kiến thức, giải được nhiều bài tập lắt léo và cuối cùng đạt điểm cao ở các kỳ thi. Học sinh đang học để thi chứ không phải áp dụng trong cuộc sống, thi những điều không bao giờ dùng trong cuộc sống.
Theo ông Thái, chất lượng nền giáo dục phổ thông hay thành tựu của Toán học Việt Nam không thể đánh giá chỉ qua thành tích ở những kỳ thi. Khơi gợi sự sáng tạo Toán học của học sinh cũng không phải là đẩy các em luyện đề học sinh giỏi.
GS Thái kể, sau khi công bố chương trình mới, nhóm biên soạn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng chương trình đã giảm nhẹ năng lực toán học của học sinh, có nguy cơ làm mất ưu thế của Việt Nam trong các kỳ thi học sinh giỏi. Một số khác lại nói chương trình không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu thi cử hiện hành.
Là người dạy đội tuyển Toán học sinh giỏi nhiều năm, ông phủ nhận việc chương trình mới "không tạo điều kiện cho học sinh giỏi phát triển". Tuy nhiên, khi biên soạn chương trình chung cho cả nước thì không thể lấy những học sinh giỏi cá biệt trở thành kim chỉ nam để hướng cả chương trình đi theo. "Chúng ta có một triệu học sinh thì chỉ có một phần nhỏ yêu cầu một chương trình đặc biệt cho học sinh xuất sắc", ông Thái nói.
Theo Chủ biên chương trình môn Toán của chương trình giáo dục phổ thông mới, các thành tố năng lực học toán sắp tới gồm: tư duy, lập luận toán học; mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề; sử dụng công cụ và phương tiện toán học; giao tiếp toán học. Chương trình là kết quả 6 năm làm việc của nhóm biên soạn, được cho là không thua kém bất cứ chương trình nào trên thế giới.
"Học toán để suy nghĩ có logic, hợp lý hơn, làm gì cũng phải có lập luận và phải dùng kiến thức đó để đi kiếm tiền, tức sử dụng được cho công việc của mình", ông nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn từ toán học.
GS Thái kể một câu chuyện tại một lớp sinh viên sư phạm, khi ông đưa ra hình ảnh vệ tinh chụp toà nhà giảng đường nơi họ đang ngồi học và yêu cầu ước lượng chiều dài của nhà thì không ai trả lời được. Từ đó, ông cho rằng muốn có được bài toán thực tiễn thì chính người dạy học phải sâu sát với đời sống. Cách dạy học trò là chuyển vấn đề thực tiễn về toán học rồi mới giải bài toán đó.
Tại toạ đàm, nhiều người bày tỏ sự quan tâm tới nội dung những bộ sách giáo khoa được viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy Nguyễn Đức Tấn (giáo viên quận 1) đặt vấn đề cần thử nghiệm sách giáo khoa trước khi áp dụng đại trà. Đồng thời, cần có những bộ sách riêng biệt cho học sinh vùng ven, vùng miền núi bởi tính đặc thù so với học sinh đồng bằng.
Ông Khúc Thành Chính (Chủ biên sách Toán Chân trời sáng tạo) chia sẻ khi viết sách, nhóm biên soạn cố gắng hướng tới những em không có năng khiếu môn học này. Bởi học sinh mỗi em một vẻ, với những sở trường, năng khiếu khác nhau, quan trọng là phát huy tính nhân văn trong sách.
Nhiều kiến thức về đất nước, con người Việt Nam được lồng ghép vào kiến thức toán học. Sách có bản đồ Việt Nam, có yêu cầu tìm bản đồ các địa danh. "Điều chúng tôi mong muốn là học sinh quan tâm hơn đến nơi mình sống, đến môi trường xung quanh và đất nước mình", ông Chính nói.
Ngày hội Toán học mở lần thứ hai diễn ra tại TP HCM, do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Hội Toán học TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo và Đại học Sài Gòn phối hợp tổ chức. Chương trình sáng nay thu hút hơn 5.000 học sinh, sinh viên và giáo viên phía Nam tham gia.