Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự toán kinh phí cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là 34.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng, thậm chí có người cảm thấy "hoang mang". Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, thực chất kinh phí thực hiện chưa ghi ở đề án. Dự thảo gửi Quốc hội cũng chưa có phần tài chính.
"Khi báo cáo với thường vụ Quốc hội, chúng tôi có đề nghị Bộ Giáo dục bổ sung phần tài chính để khẳng định tính khả thi của chương trình, sách giáo khoa, hoặc nếu không viết trong đó thì có thể viết theo một đề án khác. Bộ Giáo dục đang lựa chọn theo hướng này, tức là viết tiếp đề án đào tạo đội ngũ giáo viên và phát triển cơ sở vật chất trường học", GS Thi nói.
Về 34.000 tỷ đồng, ông Thi cho biết, con số ấy là lãnh đạo Bộ phát ra khi thường vụ Quốc hội thảo luận, có ý kiến hỏi. Lãnh đạo Bộ nói và giải thích rằng đó mới chỉ là khái toán ban đầu. "Chính chúng tôi cũng không biết số tiền ấy được sử dụng vào những việc gì. Tôi chưa thấy văn bản nào trực tiếp nói về tài chính. Nhưng Bộ Giáo dục đã công bố rồi thì phải có nhiệm vụ giải trình, nói rõ hơn số tiền ấy dùng để làm gì, có thực sự cần thiết không, có đạt hiệu quả mong muốn không", GS Thi nhấn mạnh.
Nói vậy nhưng GS Thi chia sẻ, ông hiểu con số mà Bộ Giáo dục đưa ra là dùng chi cho rất nhiều việc. Nếu chỉ dành riêng cho biên soạn chương trình sách giáo khoa thì không nhiều, số còn lại chi cho trang thiết bị mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và nhiệm vụ rất lớn là bồi dưỡng, đào tạo lại hàng triệu giáo viên.
Ông cho biết, ngày 25/4, Ủy ban Văn hóa, giáo dục sẽ thẩm tra chính thức dự thảo nghị quyết, trao đổi về đề án. Quốc hội sẽ thảo luận, trên cơ sở đó ra một nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Chính phủ thông qua đề án và đồng ý chi bao nhiêu tiền chứ không phải Quốc hội, nhưng điều đó không có nghĩa là những con số dự toán kinh phí là không cần thiết bởi vì để ra được nghị quyết thì phải xem xét đề án. Đề án khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu, thể hiện tinh thần tiết kiệm thì Quốc hội mới thông qua nghị quyết.
Theo GS Thi, ngân sách cấp cho đề án lấy từ 20% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đã là cố gắng tối đa nên sẽ không có khoản nào mới dành cho lĩnh vực này. Bộ Giáo dục khi trình Chính phủ bên cạnh dự toán ngân sách tổng thể phải có lộ trình thực hiện đề án, như từ nay đến 2023, mỗi năm chi bao nhiêu tiền.
"Đề án phải dự chi hết bao nhiêu để còn mường tượng được nó có khả thi không, ngân sách nhà nước có chịu đựng được không. Nếu tốn nhiều tiền quá thì lấy đâu ra tiền trả lương cho giáo viên", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục đặt câu hỏi.
Theo ông Thi, khi Chính phủ xem xét đề án thì Bộ Tài chính sẽ phải thẩm định lại. Định mức cho ngành giáo dục rất thấp, những người viết sách giáo khoa là từ tâm huyết, vì viết sách khác nhiều tiền hơn. Như PGS Văn Như Cương nói mỗi tiết học được trả có 500.000 đồng.
"Nhà giáo tham gia việc này thiệt thòi chứ không sợ họ được hưởng lợi nhiều. Tôi cũng không băn khoăn tiền sẽ vào túi người nào vì quy mô cuộc đổi mới này rất lớn. Nhiều người hiểu tương đối thiển cận rằng viết sách sao tốn nhiều tiền thế, nhưng cần hiểu rõ định mức cho một đơn vị thì nhỏ nhưng có nhiều việc phải làm. Chúng ta chỉ sợ chi thấp quá thì chất lượng sách không đảm bảo, tác giả chỉ viết theo đúng mức mình chi thì không ổn", GS Thi băn khoăn.
Hoàng Thùy