Tọa đàm "Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách" diễn ra ngày 10/5 tại Hà Nội, trước bối cảnh cá chết hàng loạt ở miền Trung với nghi vấn doanh nghiệp xả thải ra môi trường.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng quy chuẩn tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam chưa phù hợp. Trong khi các nước phát triển xây dựng quy chuẩn theo từng khu vực, từng nơi chứa nước, thì Việt Nam đưa ra tiêu chuẩn chung chung, đều ứng dụng vào các con sông bị ô nhiễm và chưa ô nhiễm. Việc để quy chuẩn, tiêu chuẩn ở mức thấp, phản ánh thực tế Việt Nam đang chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
"Trước đây, khi ở giai đoạn trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư thì chúng ta chấp nhận để quy chuẩn thấp, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giai đoạn mới, yêu cầu chọn lọc nhà đầu tư và ngành nghề, chứ không chấp nhận bằng mọi giá, vì thế phải nâng chuẩn lên", giáo sư Võ nói.
Về giám sát xả thải, giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định còn thiếu sát sao và chặt chẽ ở các khu công nghiệp. Ông dẫn chứng việc xả thải thẳng ra biển của Formosa có được giám sát hay không lẽ ra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phải nắm được. Theo kế hoạch ban đầu, nước thải từ Formosa sẽ xả ra sông Quyền nhưng khi vào vận hành lại ra biển. Xả ra sông Quyền còn có thể ứng phó, còn ra biển thì nguy hiểm hơn nhiều.
"Rõ ràng hệ thống thanh tra môi trường đang có vấn đề. Chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi là liệu có gì tham nhũng ở đây không", ông Võ đặt câu hỏi và cho rằng có tham nhũng ở đâu, chứ đừng tham nhũng về môi trường, vì hậu quả để lại rất lớn. Tham nhũng một thì con cháu mai sau phải trả hàng tỷ đồng.
![]() |
Nước thải từ Nhà máy đường ở Hòa Bình là nguyên nhân khiến 17 tấn cá nuôi trên sông Bưởi ở Thanh Hóa chết. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ngược lại với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó cục trưởng Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường Việt Nam khá đầy đủ. Công việc này không dễ và không phải yêu cầu nào của nước ngoài cũng áp dụng được ở Việt Nam. Thậm chí một vài tiêu chuẩn Việt Nam còn khắt khe hơn như chuẩn về khí thải S02, khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải bỏ ra số tiền lớn để xử lý.
Theo ông Sinh, chỉ doanh nghiệp Nhật, châu Âu mới có tính tự giác cao trong việc tuân thủ quy trình xả thải, doanh nghiệp đến từ châu Á thì kém hơn nhiều. Bên cạnh đó việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải khá tốn kém, không phải công ty nào cũng làm được, nên nhiều nhà máy đã xả trộm vào ban đêm.
"Chúng ta không thể phân tích nước hay chỉ số môi trường một cách tức thời và gửi ngay về cơ quan quản lý được. Nước thải có hơn 30 chỉ tiêu thì làm sao kiểm soát được. Mặt khác không phải công ty nào cũng có quan trắc online vì nó vượt qua năng lực của họ", ông nói.
Ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm đồng tình ý kiến của ông Sinh. Người làm quy chuẩn thường chịu nhiều sức ép từ phát triển kinh tế, khả năng kinh tế của doanh nghiệp và yêu cầu môi trường cộng đồng dân cư. Ba yếu tố này tác động ngược nhau, nên luật thường thay đổi để đảm bảo hài hòa cả ba. Việt Nam cũng có quy chuẩn chặt chẽ, thậm chí còn hơn cả châu Âu.
Dù có nhiều quy định về quản lý chất thải môi trường, nhưng giữa quy định và năng lực của cơ quan nhà nước lại có khoảng cách, nên mới có chuyện nhiều doanh nghiệp xả trộm và số lượng bị phát hiện thấp hơn thực tế rất nhiều.
Các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn xả thải ra môi trường của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống kiểm soát trung gian để bất kỳ ai cũng có thể nhận biết dấu hiệu môi trường ô nhiễm như độ đục, hay mùi.
Phạm Hương