Ở tuổi 16, bé gái người Thụy Điển trở thành tiếng nói đại diện cho hàng triệu người trẻ tuổi lo lắng cho Trái đất, những người chăm chỉ phân loại rác, dọn vệ sinh các bãi biển, quay lưng với thịt và máy bay, cũng như bỏ phiếu cho các đảng quan tâm đến môi trường.
Chỉ hơn một năm trước, vào đầu năm học mới, nữ sinh lớp 9 khi đó đã bỏ lại sách vở ở nhà và bắt đầu đến ngồi bên ngoài quốc hội Thụy Điển để nâng cao nhận thức về sự nguy cấp của biến đổi khí hậu. Cuộc bỏ học để biểu tình vì môi trường của cô bé được chia sẻ khắp mạng xã hội rồi thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế và phong trào "Những ngày thứ 6 vì tương lai", kêu gọi người trẻ xuống đường vì khủng hoảng khí hậu, ra đời.
Thunberg đã thúc đẩy hàng triệu thanh thiếu niên biểu tình, những người bị thuyết phục bởi sự gan dạ, mạnh mẽ trái với vẻ ngoài nhỏ bé và giọng nói trẻ con của cô bé. Hiện tượng Thunberg cũng gây sốt trên mạng. Tài khoản Twitter và Instagram của cô bé giờ đã có hơn 6 triệu người theo dõi.
Như một phát ngôn viên không chính thức cho thế hệ của mình, Thunberg muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo với các chính trị gia thế giới về sự nóng lên toàn cầu, giống như những gì cô bé đã nêu ra trong bài phát biểu "Sao các ngài dám?" tại hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc hôm 23/9.
"Các ngài đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của cháu bằng những ngôn từ sáo rỗng", nhà hoạt động nhỏ tuổi giận dữ nói như suýt khóc.
Tất cả những điều trên khiến những người gièm pha Thunberg cảm thấy khó chịu. Trong mắt những người khinh miệt cô bé nhất, chẳng hạn như nhà bình luận Australia Andrew Bolt, Thunberg là một thành viên của giáo phái tận thế, "đấng cứu tinh vô cùng nhiễu loạn của phong trào nóng lên toàn cầu", với những triệu chứng thần kinh rối loạn của trẻ tự kỷ (Thunberg bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển Asperger).
"Tất cả là vì cô bé rất mạnh mẽ", nhà sinh học Canada Severn Cullis-Suzuki, người từng ở vào hoàn cảnh như Thunberg, nhận định. Năm 1992, khi mới 12 tuổi, bà từng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất ở Brazil.
"Cô bé đang kêu gọi một cuộc cách mạng nên dĩ nhiên sẽ gặp phải phản ứng. Họ muốn làm cô bé phải im lặng bằng cách hạ thấp uy tín của cô bé", Cullis-Suzuki nói.
Có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ, thậm chí thần bí, khi nói đến Thunberg, cô bé sinh năm 2003 ở một quốc gia ít người sùng đạo và tin vào tâm linh nhất hành tinh. Yann Arthus-Bertrand, nhà môi trường học nổi tiếng kiêm nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã người Pháp, gọi cô bé là "một phép màu", còn cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng "cô bé đang thay đổi thế giới".
Nhà triết học người Pháp Michel Onfray mô tả cô như một "người máy" trong khi nhà bình luận bảo thủ người Mỹ Michael Knowles cho rằng cô bé "bị bệnh tâm thần" chịu trách nhiệm cho "sự cuồng loạn về khí hậu".
Hồi tháng 4, Thunberg từng gặp Giáo hoàng Francis tại Roem trong lễ kỷ niệm hai năm "Laudato Si", thông điệp của Giáo hội về sinh thái học và biến đổi khí hậu với chủ đề "Sự chăm sóc dành cho ngôi nhà chung của chúng ta" mang âm hưởng phát ngôn trước đó của Thunberg rằng "ngôi nhà của chúng ta đang cháy".
Các nhà phê bình nhận định kiểu ngôn ngữ này của Thunberg đang làm rối loạn thông điệp khoa học của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gây tổn hại cho những sáng kiến công nghệ và che giấu những thách thức môi trường khác.
"Vấn đề khí hậu đã làm lu mờ tất cả các vấn đề môi trường khác như ngược đãi động vật, công nghiệp thịt và thuốc sâu. Còn những người nghi ngờ quan điểm của Thunberg thì nhanh chóng bị cáo buộc là hoài nghi về khí hậu", nhà khoa học chính trị Katarina Barrling nói.
Thunberg cũng bị cáo buộc là gieo rắc sự lo âu hơn là đưa ra lập luận hợp lý. "Cháu muốn các ngài hoảng loạn. Cháu muốn các ngài cảm thấy lo sợ như cháu hàng ngày", cô bé nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng một.
Gần đây, cô bé dường như đổi giọng. "Cháu muốn các ngài lắng nghe các nhà khoa học", Thunberg nói tại quốc hội Mỹ tuần trước.
Trong khi những chỉ trích dành cho người lớn của Thunberg gây bực bội ở một số nước, phát ngôn của cô bé lại được ca ngợi tại Thụy Điển. Vẻ bướng bỉnh, bím tóc dài và gương mặt ngây thơ của Thunberg gây liên tưởng đến nhân vật Pipi Tóc dài trong bộ sách cùng tên, một cô bé tự do trải nghiệm thế giới theo cách riêng của mình và là hình mẫu của nền giáo dục cũng như truyền thống nuôi dạy trẻ em ở Thụy Điển.
"Không phải ngẫu nhiên khi Thunberg là người Thụy Điển. Tôi không nghĩ cô bé tồn tại mà không có Pipi hay Lisbeth Salander (nhân vật hacker trong loạt phim Thiên niên kỷ)", theo nhà văn Thụy Điển Elisabeth Asbrink.
Nhà phân tích Barrling cho biết suốt hàng thập kỷ, sách giáo khoa của Thụy Điển luôn đề cao tư duy phê phán của học sinh hơn là tích lũy kiến thức. Nhưng Thunberg thực sự đã làm được gì?
Cô bé đang bảo vệ nhân quyền, tổ chức Ân xá Quốc tế nói. Hồi đầu tháng, tổ chức này đã trao cho cô bé cùng phong trào "Những ngày thứ 6 vì tương lai" giải thưởng cao nhất "Đại sứ Lương tri". Thunberg cũng đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay.
Ủy ban Nobel từng vinh danh nhiều nhà môi trường trước đây do công việc của họ gắn với những nỗ lực dân chủ. Tuy nhiên, sự đóng góp của Thunberg vẫn còn cần phải xem xét, ông Henrik Urdal, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, nói.
"Mối liên hệ giữa hòa bình và biến đổi khí hậu rất mong manh. Nó được xây dựng dựa trên những giả định khá gây tranh cãi về mặt học thuật", ông nói. "Cô bé đang tạo ra một động lực rất ấn tượng về biến đổi khí hậu nhưng câu hỏi là: điều này có liên quan gì tới giải thưởng hòa bình không?"
Anh Ngọc (Theo AFP)