Chiều 28/8, khách sạn Grand Mercure Hanoi đón hơn 200 vị khách thuộc đoàn 4.500 du khách từ Ấn Độ sang Việt Nam. Theo ông Remi Faubel, tổng quản lý khách sạn, đây là cơ hội lớn để quảng bá nét đẹp văn hóa, truyền thống tới khách quốc tế.
"Chúng tôi tự tin các yếu tố như lối kiến trúc Đông Dương, hệ thống cửa Bức Bàn, các chi tiết nội thất lấy cảm hứng từ hoa sen, trống đồng, hạt gạo, ruộng bậc thang,... sẽ góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách", ông Faubel nói.
Do nhu cầu của khách, Grand Mercure Hanoi vẫn phục vụ chủ yếu các món Ấn. Bếp trưởng - Nguyễn Minh Nguyện lý giải, du khách Ấn Độ luôn có nhu cầu thưởng thức ẩm thực đất nước họ để có cảm giác gần gũi và thoải mái khi đi du lịch. Đó cũng là cách họ gìn giữ văn hóa và chế độ ăn truyền thống.
"Khi lên kế hoạch, chúng tôi phải trao đổi với phía đại diện đoàn để nắm thông tin về chế độ ăn, suất ăn tôn giáo, yêu cầu đặc biệt, từ đó lựa chọn các loại gia vị đặc trưng của Ấn Độ để các món ăn giữ được hương vị", vị bếp trưởng nói.
Tuy nhiên, khách sạn cũng chuẩn bị thêm một số món ăn đặc trưng của Việt Nam như gà, bánh cuốn, xôi, hoa quả nhiệt đới... để giới thiệu đến đoàn khách.
Từ ngày 27/8 đến 3/9, Việt Nam đón 4.500 du khách thuộc tập đoàn dược phẩm lớn đến từ Ấn Độ. Dự kiến, họ sẽ chia thành các nhóm nhỏ tới Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long và sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống tại các khách sạn 5 sao trên địa bàn thủ đô.
Ấn Độ là một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, nước ta đã đón 231.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam có nhiều thế mạnh để thu hút và phát triển thị trường này. Các đường bay thẳng giữa hai nước được khai thác trong thời gian gần đây khiến thời gian di chuyển rút ngắn chỉ còn khoảng 4 - 5 tiếng. Theo Outlook Traveller, Việt Nam sở hữu những cảnh quan đẹp, nền văn hóa đa dạng và chiều sâu lịch sử. Giá thành dịch vụ cạnh tranh khiến nước ta trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách Ấn Độ.
Lan Anh