- Đang ổn định ở SC Gjilani - CLB thuộc giải VĐQG Kosovo, và được dự vòng loại Europa League, tại sao anh quyết định trở lại Việt Nam khi mùa giải 2021 chuẩn bị khởi tranh?
- Ngay từ lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, năm 2017, tôi đã muốn chơi bóng lâu dài ở đây. Tôi thích Việt Nam tới mức khi đến Gjilani, tôi yêu cầu ghi điều khoản nếu có lời mời từ V-League, tôi được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trước năm 2017, tôi chưa từng đặt chân đến châu Á. Lúc còn khoác áo CLB Hamilton ở giải VĐQG Scotland, một nhà môi giới đã nói với tôi rằng thị trường bóng đá tại Viễn Đông đang phát triển mạnh mẽ. Anh ta hỏi tôi có hứng thú không, và tôi đáp nếu cơ hội tới, hãy liên lạc ngay với tôi. Thế rồi, đề nghị đầu tiên và cũng là duy nhất xuất hiện, từ Đà Nẵng. Trước khi lên đường, tôi đã bày tỏ quan điểm với phía môi giới rằng nếu không ổn, tôi sẽ về châu Âu ngay lập tức.
Nhưng vừa xuống sân bay, tôi đã nhìn thấy bãi biển tuyệt đẹp. Tôi đi ăn, thấy người dân thành phố này rất thân thiện, nhiều người còn vẫy tay chào hỏi, dù tôi là kẻ hoàn toàn xa lạ. Về đội, tôi nói chuyện với HLV Lê Huỳnh Đức, nghe ông ấy trao đổi về quan điểm bóng đá. Tôi nhận ra, đó là một HLV có tâm và có tầm. Ấn tượng đầu tiên như thế khiến tôi chợt cảm thấy, có lẽ đây là mảnh đất giúp mình phát triển
Nhưng tính từ lúc ấy tới nay, tôi chỉ thực sự thi đấu khoảng hai năm. Có hai năm tôi gần như rơi vào tình trạng thất nghiệp vì nhiều lý do, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, lẫn những điều đen đủi nữa.
- Lý do đó là gì?
- Mùa đầu tiên của tôi ở Đà Nẵng nhìn chung là suôn sẻ. Duy chỉ có một vết gợn là chấn thương cổ chân, khiến tôi lỡ hai vòng cuối của V-League năm đó. Hết mùa, tôi quay lại Đức, khoảng tháng 1/2018 điều trị chấn thương rồi lại sang Việt Nam chuẩn bị cho mùa mới. Đà Nẵng soạn sẵn hợp đồng, chỉ chờ tôi tái ký. Nhưng buổi kiểm tra y tế phát hiện chấn thương cũ chưa hoàn toàn lành lặn. Đội không dám mạo hiểm, đành nói lời chia tay. Vì thế, tôi phải về Đức, tiếp tục làm việc với bác sỹ bên đó, và tự dành thời gian điều trị, chăm sóc chấn thương.
Hè 2018, tôi đủ thể lực nhưng thị trường chuyển nhượng giữa mùa ở Việt Nam đã đóng cửa. Quá muộn để tìm kiếm cơ hội, tôi đành ở nhà, tìm tới đội U23 Hertha Berlin, nơi tôi từng ký hai năm hợp đồng cầu thủ trẻ trong quá khứ. Tôi tìm gặp HLV, xin tập nhờ và đá cùng để duy trì phong độ. Tôi nói với họ rằng hễ khi nào đội cần, hãy gọi điện cho tôi vì tôi rất rảnh, chẳng có gì ngoài thời gian.
Sang mùa 2019, HLV Đức Thắng nắm Thanh Hóa. Tôi và HLV Đức Thắng từng đối đầu thời ông ấy còn dẫn dắt Sài Gòn FC. Ông Thắng biết phẩm chất, năng lực của tôi nên liên hệ. Đó là trải nghiệm tuyệt vời, nhất là giai đoạn I của mùa giải khi đội bất bại 11 trận liên tiếp. Năm 2019 với tôi có thể coi là thành công.
Nhưng sau đó, Thanh Hóa không tái ký hợp đồng. Trong giai đoạn chờ công việc mới đầu mùa 2020, tôi được đề nghị tới Indonesia khoác áo CLB PSM Makassar. Họ gửi hợp đồng qua email, tôi xem, ký rồi gửi lại bản scan. Nhưng tới cuối ngày, tôi không thấy một văn bản hồi đáp chính thức nào. Hỏi thì họ trả lời là "do máy tính trục trặc nên không nhận được thư". Tới giờ, tôi vẫn không hiểu thật sự chuyện gì đã xảy ra.
Cùng lúc, Covid-19 bùng phát. Tôi đứng trước hai lựa chọn: Ở Việt Nam kiên nhẫn chờ đợi, hoặc về Đức. Cuối cùng, tôi chọn về Đức. Tôi không nuối tiếc vì lựa chọn đó, nhưng đấy là quyết định sai lầm. Tôi vừa về Đức được vài ngày, ba CLB ở V-League liên lạc. Bấy giờ, chuyện đã an bài khi đường bay và biên giới giữa các quốc gia đóng băng.
- Tìm được công việc ổn định ở Kosovo sau biết bao trắc trở, nhưng anh vẫn chọn tới Nam Định. Vì tình yêu với Việt Nam, hay vì phí chuyển nhượng 300.000 USD như nhiều thông tin đăng tải?
- Ôi, tôi ước mình nhận được số tiền đó. Tôi không ngại chia sẻ mức thù lao nhưng thông tin dưới đây sẽ làm nhiều người "sốc". Ở Nam Định, tôi phải ký một hợp đồng kỳ quái mà không ở đâu trên thế giới tồn tại, với thời hạn vỏn vẹn một tháng. Trong một tháng đó, tôi nhận lương 2.000 USD, là thu nhập thấp nhất trong các ngoại binh đang chơi bóng ở V-League. Ở Gjilani, tôi nhận gấp bốn lần con số ấy. Để đi từ Kosovo tới Nam Định, tôi phải bỏ 7.000 USD tiền túi mua vé máy bay, trả phí cách ly bắt buộc và chi phí sinh hoạt cơ bản.
Tôi biết tới Việt Nam là quyết định mạo hiểm giữa lúc Covid-19 bùng phát. Nhưng tôi tự dặn lòng "Cứ thử đi, biết đâu sau một tháng sẽ được Nam Định gia hạn, hoặc lọt vào tầm ngắm của những đội bóng khác".
Đá bóng chỉ là một nghề nghiệp bình thường như bao công việc khác. Có mấy ai trên đời đi làm cho vui. Tôi tới Việt Nam đầu tiên là vì công việc, thứ hai mới là thu nhập và cuối cùng cũng là vì chất lượng sống. Trong nghề này, tôi không còn trẻ, sắp sang tuổi 30. Sau giờ tập hay buổi thi đấu, tôi có thế giới riêng và muốn thế giới ấy phải thật vui. Ở châu Âu một năm qua không dễ chịu chút nào. Cuộc sống ngột ngạt, cả ngày quanh quẩn đi lại trong nhà chứ chẳng thể đi đâu khác nên con người đâm ra ngột ngạt. Lòng nặng trĩu như thế, muốn chơi bóng hay cũng khó.
- Nhưng anh chỉ chơi cho Nam Định một trận, rồi ra đi trong ồn ào. Anh giải thích thế nào về thông tin "Gramoz giả đau, giữ chân nên bị thanh lý"?
- Sự cố ấy giúp tôi trưởng thành cả trên tư cách cầu thủ bóng đá lẫn tư cách một con người. Nhưng tôi cần đính chính: Sức khỏe của tôi là quan trọng nhất. Sau lưng tôi còn gia đình và nhiều trách nhiệm xã hội, tôi không thể mạo hiểm. Đành rằng nếu hôm đó là trận chung kết Cup Quốc gia hoặc một trận có tính chất quyết định mùa giải, tôi sẽ nén đau thi đấu. Nhưng đó mới là vòng 2, phía trước còn chặng đường dài, tại sao chúng ta không nghĩ xa hơn cho cầu thủ và tập thể? Tại sao họ không nghĩ rằng tôi được nghỉ trận này nên hồi phục tốt, toàn tâm toàn ý cống hiến trong phần còn lại của mùa giải? Hay họ thích tôi chịu đựng, cố đá một trận và nằm trên giường bệnh vài tháng? Làm như thế, tôi vừa chịu rủi ro mất thu nhập, Nam Định vừa mất công tuyển người.
Tôi không nói là đúng hay sai, nhưng HLV Nguyễn Văn Sỹ nghĩ khác. Ở châu Âu hay nhiều CLB khác, HLV luôn bảo vệ cầu thủ. Bảo vệ ở đây là bảo vệ sức khỏe của cầu thủ, là bảo vệ công cụ kiếm sống của cầu thủ và là bảo vệ tài sản của đội bóng. Trong khi đó, các HLV tại Nam Định không quan tâm tới sức khỏe, ép tôi ra sân bằng được.
- Rời Nam Định, tại sao anh chọn tái hợp Thanh Hóa, thay vì tới Viettel - nhà ĐKVĐ V-League?
- Hai ngày sau sự cố ở Nam Định, ông Hoàng Thanh Tùng - trợ lý HLV Thanh Hóa - tìm gặp. Ông Tùng chỉ nói là HLV trưởng Petrovic đã nghiên cứu video, đánh giá cao phẩm chất của tôi. Người đại diện có nhắc tới Viettel, nhưng đàm phán chưa tới giai đoạn bàn chi tiết hợp đồng. Tôi không biết Viettel muốn ký với tôi loại hợp đồng nào, tới hết giai đoạn một hay nửa năm hay cả mùa.
Ở tình huống này, bóng đá dạy tôi một bài học kinh điển: Luôn luôn chọn những gì bạn nhìn thấy trên mặt bàn. Thanh Hóa là đội đầu tiên liên lạc trong lúc tôi biết mình không còn tương lai ở Nam Định. Họ cũng đưa ra điều kiện rõ ràng, nên tôi đồng ý ngay chứ không cần chờ đợi thêm.
- Petrovic là HLV gạo cội ở châu Âu, từng dẫn dắt Sao đỏ Belgrade vô địch C1. Theo anh, ông ấy có khác biệt gì so với các HLV Việt Nam?
- Giáo án và phương pháp tập luyện của HLV châu Âu và Việt Nam thường đối lập. Ở Thanh Hóa, ông Petrovic yêu cầu tập một buổi mỗi ngày, trong khi số đông HLV Việt Nam bố trí tập hai buổi mỗi ngày. HLV châu Âu luôn quan tâm cầu thủ có khỏe không, có chấn thương không, thể trạng ra sao, họ còn lưu ý tới những vấn đề nhỏ nhặt như chuyện gia đình hay cá nhân cầu thủ. Chỉ cần một biểu hiện khác thường trên khuôn mặt cầu thủ, HLV lập tức tới nói chuyện.
Nếu cầu thủ gặp vết đau nhẹ, anh ta cũng không được phép vào sân tập mà phải làm việc trong phòng gym với bác sỹ hoặc chuyên gia y tế. HLV Việt Nam thường yêu cầu tập quá nặng. Cầu thủ đâu phải cái máy, cũng cần nghỉ ngơi, phải cho cơ thể cơ hội tái tạo năng lượng.
Nói thế không có nghĩa là bài tập của ông Petrovic không đủ cường độ hoặc phương pháp của HLV Việt Nam thiếu khoa học. Chỉ là ở góc độ cá nhân, tôi nhận ra HLV ở châu Âu hay Nam Mỹ có xu hướng xê dịch. Họ không chỉ ở trong quốc gia của mình mà luôn tìm kiếm cơ hội đi ra thế giới bên ngoài, quan sát bóng đá ở mỗi quốc gia vận hành ra sao. Giới huấn luyện châu Âu coi trải nghiệm là quan trọng nhất vì chỉ có trải nghiệm mới đưa ra các giải pháp kinh nghiệm thực tiễn. Ở Việt Nam thì khác, các HLV vẫn rất giỏi, vẫn cập nhật kiến thức qua nguồn tài liệu Internet, nhưng kinh nghiệm của họ được đúc kết bởi trải nghiệm trong quá khứ dưới tư cách cầu thủ.
- Anh cho rằng "máu" xê dịch trong con người mình bắt nguồn từ đâu?
- Khi còn là đứa trẻ tập viết, tôi và gia đình phải vượt biên từ Kosovo sang Đức để tránh thảm họa chiến tranh. Tôi vẫn nhớ năm tôi bảy tuổi, bố có nói "Vì gia đình, bố sẵn sàng làm bất cứ công việc gì, miễn đó là công việc để cả nhà có hộ chiếu".
Có một chuyện nhiều năm sau khi lớn lên, mẹ mới kể tôi nghe. Năm tôi cuối cấp một, bạn tới chơi nhà. Trên nóc tủ lạnh để một nải chuối, tôi và bạn định với tay lên, nhưng mẹ liền chạy đến, cất vội vào túi và giấu đi. Cuộc sống cơ cực từng biến mẹ thành người như thế, vì nghèo nên bần hàn chắt bóp.
Trong 10 năm đầu gia đình tôi ở Đức đến khi cầm trên tay tấm hộ chiếu, mọi thứ khó khăn và tồi tệ tới mức các thành viên gia đình luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bị trục xuất về Kosovo, hoặc tìm đường tới nước thứ ba. Nhưng vượt qua được, bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ. Ở đâu, tôi cũng sống tốt và biết cách tìm niềm vui. Nhà tôi ở khắp nơi trên thế giới, có chú ở Đức, có cô ở Mỹ, còn tôi ở Việt Nam. Có lẽ, bối cảnh trưởng thành làm tôi có xu hướng thích di chuyển.
- Anh đề cao phương pháp huấn luyện châu Âu, từng chơi bóng hai năm ở giải VĐQG Scotland nhưng lại muốn gắn bó với bóng đá Việt Nam. Có gì mâu thuẫn ở đây?
- Ngày gia nhập Hamilton, tôi từng nghĩ mình sẽ tới những CLB lớn ở châu Âu. Thú thật là như vậy. Cảm giác chơi ở sân bóng chật cứng 60.000 khán giả, ghi bàn vào lưới Celtic khi bố mẹ đang ở trên khán đài quả thật khiến tôi nổi da gà mỗi lần nhớ lại. Nhớ về những ký ức đó thật vui vẻ biết bao vì đó là tài sản của riêng tôi mà không ai có thể lấy đi được.
Nhưng bóng đá còn một bài học khác tôi muốn chia sẻ. Chẳng có khái niệm "kế hoạch" nào tồn tại, ít nhất trong câu chuyện cá nhân tôi. Khi 21 tuổi, con người giàu hoài bão nhưng thiếu lý trí và chín chắn. Năm thứ hai ở Scotland, tôi chấn thương triền miên, mà sau này nhìn lại, tôi thấy mình quá thiếu chuyên nghiệp. Tôi hay đi chơi về khuya, ngủ muộn, lạm dụng thức ăn nhanh và nghiện gà rán. Có lẽ, giai đoạn sinh hoạt vô kỷ luật khiến tôi mẫn cảm với chấn thương và không bao giờ đạt đến kỳ vọng bản thân tự đặt ra.
Tuy nhiên, bóng đá có một quy luật bất biến. Bóng đá ở đâu cũng giống nhau và nếu bạn là cầu thủ giỏi, bạn sẽ tỏa sáng ở bất kỳ mảnh đất nào đặt chân đến. Hamilton quy mô nhỏ, nhưng là đội chuyên nghiệp có lịch sử gần 150 năm. Họ tìm thấy tôi khi tôi đang chơi ở giải hạng Nhì CH Czech, tức là môi trường bóng đá thấp cấp hơn. Các nhà tuyển trạch, các CLB sẽ tìm thấy bạn nếu bạn thật sự là cầu thủ có trình độ.
Mặt khác, Việt Nam cho tôi trải nghiệm. Đây là mặt tích cực của cuộc sống xê dịch. Trong phạm vi bóng đá, nhờ trải nghiệm tôi mới biết "V-League là giải đấu khắc nghiệt, là giải đấu chơi bóng dài và là giải đấu bạo lực" là quan điểm sai lầm. Mức độ khốc liệt ở Scotland gấp 10 lần V-League. Trọng tài ở đấy cắt còi rất chậm, và họ mặc định những pha tắc bóng hay vào bóng từ phía sau là chuyện bình thường, không thuộc phạm trù phạt thẻ. Hoặc sau nhiều năm thi đấu, tôi đánh giá nhiều cầu thủ Việt còn khỏe hơn, nhanh hơn và kỹ thuật hơn cầu thủ ngoại. Như Lê Văn Thắng hay Minh Tùng, họ là những con "quái vật", sở hữu tốc độ, khả năng càn lướt và sức chiến đấu giống nhiều cầu thủ châu Âu. Và cũng nhờ xê dịch nên năm ngoái, tôi có điều kiện sống đủ lâu ở Kosovo và gặp gỡ họ hàng - điều tôi không thể làm được trong quá khứ.
Ở Việt Nam, tôi thường nhận được câu hỏi "Có nên ra nước ngoài" từ các bạn trẻ. Tôi còn hay nhận tin nhắn từ những cầu thủ đồng hương, hỏi han về cuộc sống ở Việt Nam và châu Á. Lúc nào, tôi cũng khuyên và ủng hộ họ bước ra thế giới. Khi xa nhà và sống trong môi trường mới, bạn sẽ đối mặt nhiều thử thách. Có thể bạn sẽ thích, hoặc có thể bạn sẽ ghét trải nghiệm đó. Nhưng dù thế nào, bạn đều học được những bài học quý báu. Nếu ghét, bạn mới biết ơn và trân trọng quê hương, có đủ lý do để trở về gia đình. Nếu thích thì quá tốt rồi, giống như tôi đây, tận hưởng và học hỏi nhiều nền văn hóa mới.
An Ngọc