Chiến lược trở thành "siêu ứng dụng" vừa được Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Grab - Anthony Tan công bố tại Singapore hôm 10/7. GrabPlatfom là một loạt giao diện lập trình ứng dụng cho phép các đối tác tích hợp dịch vụ vào nền tảng của Grab.
Bằng cách này, Grab sẽ nhanh chóng phát triển được hàng loạt dịch vụ mới để giữ chân người dùng trong khi phía đối tác có cơ hội khai thác thị trường với hơn 100 triệu thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng và vẫn không ngừng tăng.
"Chúng tôi không thể làm tốt nhất tất cả lĩnh vực. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc với nhiều đối tác khác nhau nhằm trở thành siêu ứng dụng hàng ngày”, ông Anthony Tan nhận định.
Ông Anthony Tan - Đồng sáng lập kiêm CEO Grab trong buổi công bố chiến lược thành 'siêu ứng dụng'. Ảnh: Viễn Thông |
Động thái mới nhất chính là việc hợp tác với HappyFresh để mở dịch vụ giao hàng tạp hóa trong vòng một giờ, với hơn 100.000 sản phẩm từ hơn 50 chuỗi siêu thị và cửa hàng đặc sản. Dịch vụ sẽ tung bản thử nghiệm tại Jakarta (Indonesia) vào tháng 7, sau đó sẽ có mặt tại Thái Lan và Malaysia trước cuối năm 2018. Các quốc gia khác tại Đông Nam Á được triển khai sau đó.
“Giao nhận hàng tạp hóa đang có một tiềm năng và cơ hội rất lớn tại Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 70% người dùng ứng dụng giao nhận hàng tạp hóa mua sắm ít nhất một lần mỗi tuần, và họ thích mua sắm ở những cửa hàng quen thuộc với mình. Điều họ quan tâm là hàng hóa họ thích luôn có sẵn và nhận được hàng khi họ cần”, ông Guillem Segarra - CEO HappyFresh nói.
Hiện tại, giao diện "siêu ứng dụng" đã vận hành tại Singapore và Indonesia. Màn hình chính cho phép người dùng thao tác một chạm để truy cập vào các lựa chọn thanh toán và điều hướng đến tất cả dịch vụ hàng ngày.
Người dùng còn có thể đọc tin tức của Yahoo, xem video của Youtube. Thậm chí, hành khách có thể giải trí trong lúc đi xe bằng các mini game tích hợp sẵn mà không cần qua ứng dụng khác.
Thực tế, ý tưởng về "siêu ứng dụng" không mới. Tại Trung Quốc, WeChat là một dạng "siêu ứng dụng" hàng đầu, tích hợp mọi dịch vụ trong đời sống hàng ngày. Còn tại Indonesia, Go-Jek cũng đang có một danh sách khá phong phú các dịch vụ thiết yếu khác ngoài vận tải.
Tuy nhiên, theo ông Jerald Singh - Giám đốc phụ trách sản phẩm của Grab thì "siêu ứng dụng" của hãng này có khác nhiều khác biệt. Trong đó, điểm cốt lõi là nền tảng mở cho các đối tác, giao diện được cá nhân cao với từng nhu cầu người dùng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), tính linh hoạt và năng động lớn.
"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ứng dụng Đông Nam Á đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày ở mọi lúc, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu của bạn cả trước khi bạn biết rằng bạn cần đến chúng", Jerald Singh tuyên bố.
Ngoài việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Chubb, Yahoo, Shopee, Lazada, Tokopedia, Ovo..., Grab đang tích cực săn đón các startup để tích hợp vào "siêu ứng dụng".
Cách đây một tháng, hãng đã dọn đường bằng cách ra mắt quỹ đầu tư Grab Ventures và tìm những startup triển vọng từ các nước như Thái Lan hay Việt Nam... Bước đi này cũng giúp hãng nhận được sự thân thiện hơn với các chính phủ.
"Các chính phủ luôn khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Vì thế, tôi tin tưởng rằng Grab Venture và GrabPlatform sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt ở Đông Nam Á", ông Anthony Tan bình luận.
Grab đạt cột mốc 2 tỷ chuyến xe vào ngày 7/7. Dịch vụ kết nối di chuyển đang tăng trưởng nhanh chóng, với tổng doanh thu (Gross Merchandise Volume - GMV) tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua.
"Ở Việt Nam giờ có rất nhiều ứng dụng gọi xe. Cạnh tranh cũng có ở Singapore hay Thái Lan. Nói chung, khu vực này cạnh tranh rất dữ dội nhưng chúng tôi sẵn sàng để cạnh tranh. Chúng tôi chào đón nhiều đối thủ hơn chứ không phải ít hơn", ông Anthony Tan nói.
Người đứng đầu Grab cho rằng, chính nhờ cạnh tranh mà 6 năm qua hàng loạt ứng dụng mới đã ra đời, công nghệ tiến bộ nhanh hơn và bản thân Grab cũng có động lực phát triển hơn. "Cho đến nay, không ai ở Đông Nam Á phát triển một nền tảng mở và định vị thành 'siêu ứng dụng' như chúng tôi", ông kết luận.
Viễn Thông