Tháng 7/2018, đồng sáng lập kiêm CEO Grab, Anthony Tan công bố chiến lược trở thành "siêu ứng dụng" tại Đông Nam Á. Theo đó khi truy cập vào ứng dụng, người dùng không chỉ có thể đặt xe ôtô, xe máy, mà còn có thể sử dụng hàng loạt tiện ích, dịch vụ khác gắn liền với đời sống hàng ngày. Trong đó có đặt đồ ăn, thanh toán, giao hàng, dịch vụ tài chính...
"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ứng dụng Đông Nam Á đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày ở mọi lúc, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu của bạn cả trước khi bạn biết rằng bạn cần đến chúng", ông Jerald Singh - Giám đốc phụ trách sản phẩm của Grab cho biết.
Riêng tại Việt Nam, tháng 8 năm nay, Grab cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường 90 triệu dân trong 5 năm tới, nâng tổng số vốn đầu tư tại đây trong vòng 10 năm lên 700 triệu USD. Khoản đầu tư này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam trong vai trò là một công ty công nghệ, một siêu ứng dụng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Từ "đi Grab" sang "dùng Grab"
5 năm trước, Grab chào sân Việt Nam với mô hình đặt xe qua ứng dụng. Bước vào thị trường khi khái niệm về dịch vụ này vẫn còn xa vời, Grab đã tạo ra một "cuộc cách mạng" trên thị trường đặt xe công nghệ tại Việt Nam. "Đi Grab" được nhiều người dùng gọi như một phương thức di chuyển thông qua đặt xe trên ứng dụng cộng nghệ.
Tận dụng mạng lưới đối tác tài xế đông đảo, Grab mở thêm dịch vụ giao hàng GrabExpress, đáp ứng thêm nhu cầu của người dùng bên cạnh việc đi lại, đồng thời tạo cơ hội tăng thêm thu nhập cho các đối tác tài xế.
Tháng 6/2018, khi đang dẫn đầu thị trường đặt xe công nghệ, Grab công bố triển khai GrabFood, lấn sân thị trường giao nhận món ăn trực tuyến cùng lời công bố hướng đến mục tiêu "siêu ứng dụng". Dịch vụ nhanh chóng ghi nhận những dấu ấn vượt bậc, được 87% người Việt lựa chọn là lựa chọn giao nhận thức ăn sử dụng thường xuyên nhất, theo khảo sát vào tháng 8/2019 của Kantar. Grab cũng là một trong những đơn vị tiên phong mang khái niệm "siêu ứng dụng" vào Việt Nam và tạo nên xu hướng đa dạng hoá dịch vụ trên thị trường ứng dụng nội địa.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành siêu ứng dụng, Grab còn hợp tác với Moca triển khai ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. Thói quen "đi Grab" cũng chuyển thành "dùng Grab" bởi sự đa dạng về dịch vụ mà ứng dụng này mang đến.
Tăng tốc trên đường đua siêu ứng dụng
Bình luận về xu hướng siêu ứng dụng bùng nổ ở Đông Nam Á, giáo sư Nitin Pangarkar của Trường Kinh doanh NUS nhận định rất khó để tạo lợi nhuận tốt từ mảng đặt xe, nhưng bù lại, nó tạo ra giao dịch tần suất cao.
"Trong khi đó, giao đồ ăn có triển vọng tốt về lợi nhuận và sự kết hợp cả hai sẽ tạo tiền đề tốt cho dịch vụ thanh toán", giáo sư Nitin Pangarkar nói.
Hiện siêu ứng dụng là hướng dịch chuyển của các công ty công nghệ sau thời gian củng cố vị thế ở một mảng nhất định . Riêng với Grab, đại diện nền tảng công nghệ này tuyên bố đã sở hữu hệ sinh thái đa dịch vụ, trong đó mỗi dịch vụ đều chứng tỏ được khả năng tự phát triển, đồng thời hỗ trợ nhau cùng lớn mạnh.
Không dừng lại ở một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, mới đây, Grab cho ra đời Gói hội viên như một bước đi mới nhằm tận dụng và phát huy hệ sinh thái của mình, hướng đến tăng cường trải nghiệm liền mạch, đồng thời mang đến cho người dùng những kế hoạch sử dụng dịch vụ tiết kiệm thông minh.
Dịch vụ mới của Grab đánh thẳng vào nhu cầu sử dụng dịch vụ "sỉ" với ưu đãi lớn cho khách hàng, tiết kiệm lên đến 50%. Các Gói hội viên thiết kế sát với nhu cầu sử dụng bao gồm gói tổng hợp (sử dụng ba dịch vụ GrabBike, GrabCar, GrabFood), gói di chuyển GrabBike, gói di chuyển GrabCar, gói giao hàng GrabExpress.
Chị Lê Ngọc Minh, một người dùng Grab tại quận 5, TP HCM cho biết, kể từ khi chồng chị không đưa đón do chuyển chỗ làm ngược hướng, chị chọn sử dụng GrabBike để di chuyển từ nhà đến công ty tại quận 1 mỗi ngày. Với mỗi cuốc xe khoảng 21.000 đồng, một tháng đi làm 25 ngày, chị trả hơn một triệu mỗi tháng cho tiền đi lại. Với Gói di chuyển GrabBike trị giá 450.000 đồng, chị nhận 40 mã ưu đãi 25.000 đồng để sử dụng trong tháng. Tính ra mỗi tháng chị tiết kiệm khoảng 400.000 đồng.
Mặt khác, các mã ưu đãi của Gói hội viên có thể được mua trước một lần, lưu giữ trong mục "Ưu đãi của tôi" và sử dụng dần trong cả tháng thông qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. Từ đó tạo ra tính liền mạch trong trải nghiệm dịch vụ.
Tuy không nằm ngoài cuộc đua cuộc đua mã khuyến mại, mở rộng dịch vụ nhằm thu hút thêm nhiều người dùng, nhưng Grab đã có một bước chuyển mình mạnh mẽ với Gói hội viên. Xu hướng phát triển "siêu ứng dụng" vẫn đang trong thời kì bùng nổ trên thế giới. Tại Trung Quốc, Baidu, Alibaba hay WeChat đều là những điển hình về siêu ứng dụng với hệ sinh thái dịch vụ khổng lồ, tích hợp mọi dịch vụ từ di chuyển, giao nhận, thanh toán điện tử, giải trí, chat và gọi thoại... Mỗi hệ sinh thái đều có những cách thức xây dựng lượng khách hàng trung thành thông qua bán thẻ hội viên ngắn hạn, dài hạn, tặng điểm thưởng có thể quy đổi thành tiền mặt khi sử dụng dịch vụ...
Nam Anh