Bộ Giao thông Vận tải đang trình dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 86 về quản lý phương tiện Taxi. Mặc dù dự thảo đã được chỉnh sửa nhiều lần, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh nội dung của dự thảo Nghị định mới.
Grab là hãng công nghệ hay taxi?
Uber/Grab luôn cho rằng họ chỉ là một hãng công nghệ chứ không phải là một hãng taxi. Nhưng thực tế mô hình kinh doanh của họ không đơn thuần chỉ là công ty công nghệ. Nếu chỉ đơn thuần là một công ty công nghệ thì Uber/Grab chỉ bán phần mềm cho các hãng taxi hoặc xây dựng một sàn giao dịch đề kết nối hành khách với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải.
Qua thực tế hoạt động trong thời gian thí điểm vừa qua, Uber/Grab đã tham gia sâu vào thị trường vận tải bằng việc áp đặt giá cước, điều chỉnh giá cước theo khung giờ, áp đặt tỷ lệ % ăn chia với lái xe và tự đưa ra chương trình khuyến mại cho khách hàng và tài xế.
Vừa qua, tòa án châu Âu cũng ra phán quyết coi Uber và Grab là một hãng vận tải. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải xác định rằng Uber/Grab là một hãng taxi nhưng khác với các hãng taxi truyền thống. Uber/Grab đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều phối xe giúp tối ưu hiệu quả và giảm giá thành so với taxi thông thường.
Gắn mào taxi hay không gắn mào?
Nếu Grab được xác định là một hãng taxi công nghệ thì rõ ràng họ sẽ phải được quản lý như một hãng taxi, như thế mới tạo ra sự công bằng và bình đẳng trên thị trường taxi. Tuy nhiên có một vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay là những xe tham gia Grab có cần phải gắn mào taxi hay không?
Về vấn đề này chúng ta cần phải thấy rằng, có hai nhóm xe tham gia Grab. Một nhóm là những cá nhân sở hữu xe và chỉ tranh thủ chạy thêm để có tiền xăng xe, bến bãi. Những tài xế này họ không chạy thường xuyên để kiếm thu nhập từ việc chạy xe dịch vụ.
Nhóm thứ hai là nhóm tài xế chuyên nghiệp. Họ kiếm sống bằng nghề lái xe và khách hàng của họ phần lớn là khách hàng của Grab. Tôi nghĩ rằng Grab có con số thống kê rất cụ thể bao nhiêu xe là xe chạy thêm và bao nhiêu xe là xe chạy chuyên.
Đối với quy định gắn mào, theo tôi các xe ở nhóm chạy dịch vụ chuyên nghiệp thì có thể phải gắn mào. Còn đối với xe gia đình chạy thêm thì không bắt buộc phải gắn mào. Bởi rất nhiều gia đình sử dụng xe hàng ngày, họ chỉ tranh thủ chạy thêm lúc rảnh rồi mà bắt họ phải gắn mào taxi lên là không hợp lý. Quy định này nếu áp dụng sẽ làm mất đi cơ hội tận dụng phương tiện nhàn rỗi để giảm tải giao thông cho đô thị.
>> Uber-Grab sáp nhập: Singapore phạt 9,5 triệu đôla, sao Việt Nam không phạt?
Có nên hạn chế số lượng?
Rất nhiều tranh cãi về sự bùng nổ số lượng xe Grab làm phá vỡ quy hoạch giao thông ở một thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Tôi cho rằng, khi có sự phân loại xe Grab thành 2 nhóm chuyên nghiệp và bán chuyên như nói ở trên, thì tùy tình hình giao thông của mỗi tỉnh mà Sở giao thông địa phương sẽ quy định phù hiệu đối với nhóm xe Grab chuyên nghiệp.
Còn đối với xe gia đình chạy thêm thì chúng ta không thể hạn chế được số lượng bởi vì đó là nhu cầu của mỗi cá nhân. Đối với xe cá nhân có chạy thêm Grab thì cần phải có quy định cụ thể là một tuần được phép chạy bao nhiêu tiếng, để tránh việc lách luật. Bộ giao thông vận tải với dữ liệu giám sát hành trình của xe này, cộng với dữ liệu từ Grab gửi về Cục thuế, chúng ta hoàn toàn có thể giám sát được việc tuân thủ thời gian chạy của nhóm xe bán chuyên.
Về vấn đề cấm đường
Đây là vấn đề gây tranh cãi giữa các hãng taxi truyền thống và Grab. Các hãng taxi truyền thống thì cho rằng họ bị đối xử không công bằng khi Grab thì thoải mái đi vào đường có biển cấm taxi, trong khi các xe taxi có mào thông thường thì lại không được vào. Họ kiến nghị phải cấm Grab ở những tuyến đường cấm taxi.
Tôi cho rằng đây là cách giải quyết rất cực đoan theo kiểu không ăn được thì đạp đổ. Thay vì kiến nghị cấm Grab thì hiệp hội taxi phải chung sức với Grab kiến nghị để dẹp bỏ những lệnh cấm đường bất hợp lý này.
>> Những kiểu khách hành hạ tài xế taxi Uber, Grab
Quyền lợi của người lao động
Đơn vị nào sẽ phải có trách nhiệm với quyền lợi của người lao động khi tham gia vào Grab. Hiện nay Grab đều phủi bỏ trách nhiệm với người lao động mà họ gọi là “đối tác”. Người lao động khi tham gia vào Grab luôn ở vị trí thua thiệt, họ không được quan tâm về phúc lợi, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Họ làm việc trong một môi trường đầy rẫy rủi ro rình rập trên đường nhưng không hề được bảo vệ.
Công ty Grab hoàn toàn có thể đơn phương chấm dứt hợp tác bằng việc khóa tài khoản, đẩy người lái xe ra đường mà không hề có một cơ chế để giải quyết khiếu nại. Do vậy, cần phải yêu cầu Grab có trách nhiệm đối với người lao động khi tham gia vào mô hình này. Cần bắt buộc Grab phải thành lập một công đoàn độc lập do các đối tác của Grab là các chủ xe điều hành để có tiếng nói với các quyết sách áp đặt một chiều của Grab.
Đồng thời cũng cần nghiên cứu xem Grab có phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ đối tác là lái xe của họ hay không. Cần phải căn cứ theo luật Lao động để áp dụng nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia vào mô hình này.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây