Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, phiên thảo luận chủ đề khởi nghiệp và các mô hình kinh tế mới vào sáng ngày 2/5 thu hút hàng trăm doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia tham dự.
Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra tại phiên thảo luận là "ứng xử" với các mô hình kinh tế mới như thế nào. Đồng thời làm thế nào để có chính sách phù hợp dành cho những mô hình chưa từng có tại thị trường trong nước, chưa có khung pháp lý và chưa có tiền lệ điều hành.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, thời gian qua trước sự xuất hiện của các mô hình kinh tế mới, điển hình là kinh tế chia sẻ với sự xuất hiện của Uber và Grab, Chính phủ và các cơ quan liên ngành đã chủ động tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy chính sách cho phù hợp với chuyển động của thị trường.
Thông qua bài học kinh nghiệm của một số quốc gia, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng Việt Nam có thể tiến hành giải pháp thực thi kế hoạch thí điểm, hay còn gọi là "sandbox" để nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá tác đồng toàn diện của các mô hình kinh tế mới đối với thị trường, từ đó xây dựng khung chính sách đúng đắn.
"Tính ưu việt khi dùng công nghệ vào mô hình kinh doanh mới giúp tính cạnh tranh cao. Có một số doanh nghiệp cho rằng mô hình kinh doanh mới phá hủy kinh doanh truyền thống nhưng cá nhân tôi lại có góc nhìn khác. Theo tôi, mô hình kinh doanh mới có áp dụng công nghệ giúp cạnh tranh cao. Chẳng hạn Uber hay Grab có kết hợp giữa thương mại điện tử với vận chuyển", ông Nghĩa khẳng định.
Đồng tình ý kiến của đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho rằng cần phải có cái nhìn cởi mở với các mô hình mới, giải pháp và công nghệ mới.
"Cứ làm theo quy định tiến theo quy trình thì không bao giờ có sáng tạo được", ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp đang khai thác mạnh mẽ mô hình kinh tế mới – kinh tế chia sẻ, ông Jerry Lim - Tổng giám đốc Grab Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các cơ quan Chính phủ và chuyên gia đầu ngành. Ông Jerry Lim cho rằng cần thiết có một "sandbox" - kế hoạch thí điểm để tạo không gian, thời gian cho những nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh mới chứng minh khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bằng chứng tại Grab, từ một doanh nghiệp nội địa Malaysia với chỉ 10 nhân viên, sau 7 năm Grab hiện là "kỳ lân tỷ đô" của Đông Nam Á khi có mặt tại 8 quốc gia, đội ngũ 6.000 nhân viên. Sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên thành quả công nghệ mà Grab đang ứng dụng đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động và các đối tác kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ tại khắp Đông Nam Á.
Tuy nhiên do mô hình kinh tế này còn quá mới, chưa có khung pháp lý tại Việt Nam, hoạt động của Grab hiện gặp nhiều khó khăn.
"Sự xuất hiện của công nghệ mới luôn tạo ra sự thay đổi lớn và dĩ nhiên sẽ có một số doanh nghiệp truyền thống không bằng lòng thay đổi. Tuy nhiên các doanh nghiệp truyền thống cũng cần phải ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi ích cho khách hàng và giảm gánh nặng hành chính cho bản thân tổ chức", ông Jerry Lim chia sẻ.
Ông Lim đồng tình có thể dùng "sandbox" để đánh giá tác động của các mô hình kinh tế mới. Ví dụ một "sandbox" có thể có một số doanh nghiệp đang theo đuổi mô hình, công nghệ mới. Họ sẽ được phép vận hành trong một thời gian và một phạm vi địa lý nhất định, từ đó khai thác dữ liệu vận hành, nghiên cứu, đánh giá tác động của các mô hình mới và đưa ra khung chính sách phù hợp.
Ông Lim cũng lưu ý khi thành lập một kế hoạch thí điểm, cần đảm bảo số lượng doanh nghiệp tham gia vừa đủ để đánh giá tác động sâu rộng nhưng cũng không nên quá nhiều và trùng lặp về mô hình kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực. Đối tượng doanh nghiệp tham gia cũng cần có sự chọn lọc kỹ càng.
Đồng thời ông đề cao mối quan hệ hợp tác công tư giữa các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ, nhằm chia sẻ thông tin minh bạch, công khai và đẩy nhanh tiến độ thí điểm, từ vài năm xuống còn vài tháng, để thúc đẩy chính sách sớm được thực thi.
Khánh Anh