Ngoài hỗ trợ bà con ở tâm dịch Bắc Giang bằng việc tiêu thụ 300 tấn vải thiều, Grab với dự án GrabConnect sẽ dành một phần ngân sách để trao tặng loại vải này cho hành khách như lời tri ân đến người dùng nhân kỷ niệm 7 năm có mặt tại Việt Nam.
Người dùng có thể ủng hộ bà con nông dân Bắc Giang bằng cách đặt trước vải thiều Lục Ngạn trên GrabMart từ ngày 10/6/2021. Người dùng cũng có thể đổi điểm thưởng GrabRewards chung tay hỗ trợ nông sản Bắc Giang vượt qua khó khăn do Covid-19.
Tiếp sau vải thiều Lục Ngạn, đơn vị có kế hoạch làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ban, ngành và địa phương hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là khi một số nông sản chính ở miền Bắc, Nam Trung Bộ đang vào mùa.
Dự án GrabConnect với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số, từ đó kỳ vọng đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam. Đây là một trong phần trong nỗ lực Grab vì cộng đồng, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ủng hộ chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
GrabConnect được Grab triển khai trong bối cảnh các mặt hàng nông sản, đặc sản gặp nhiều khó khăn để đến được tay người dùng cuối với mức giá hợp lý, nhất là khi Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nông sản ở các địa phương.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, đơn vị kỳ vọng chia sẻ mục tiêu của Chính phủ và các bộ, ban, ngành với giải pháp linh hoạt, chủ động để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. GrabConnect sẽ tận dụng năng lực công nghệ, mạng lưới rộng khắp và sức mạnh của hệ sinh thái Grab để kết nối nông sản từ người nông dân đến người dùng cuối với quy trình giao nhận nhanh chóng, tiện lợi, an toàn.
"Chúng tôi tin rằng GrabConnect sẽ đóng vai trò tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các địa phương, giúp bà con nông dân yên tâm canh tác và vượt qua khó khăn thời dịch", bà Hải Vân nói thêm.
GrabConnect còn kỳ vọng mở ra khả năng đưa nông sản tiếp cận hệ sinh thái Grab với mạng lưới đối tác rộng khắp cả nước gồm nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, chủ shop online, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống...
Với nguồn cung nông sản ổn định, các đối tác của Grab có thể sử dụng nguyên liệu lấy từ tận nguồn để đảm bảo chất lượng thực phẩm và lợi thế cạnh tranh về giá. Từ đó, dự án GrabConnect đặt mục tiêu mang đến lợi ích thiết thực lâu dài cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
Cụ thể, hợp tác xã nông nghiệp, nhà vườn và nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản nhờ khả năng tiếp cận với nền tảng người dùng và mạng lưới đối tác của Grab. Các đơn vị này cũng được hỗ trợ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng thông qua hợp tác của Grab với đối tác kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển, logistics.
Đối tác của GrabFood, GrabMart, GrabKitchen và GrabExpress có thể được tiếp cận nguồn cung nông sản chất lượng, dồi dào với mức giá hợp lý để kinh doanh nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm... Đối tác tài xế có thêm đơn hàng, nâng cao cơ hội thu nhập và cải thiện cuộc sống. Người tiêu dùng trên nền tảng Grab và cộng đồng có thể mua được nông sản chất lượng với giá phù hợp, nhất là được giao hàng tận nơi chỉ trong vòng một giờ.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết thêm, Grab mong muốn thông qua nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác rộng lớn có thể kết nối các địa phương trong tiêu thụ trái cây, nông sản và các sản vật để tìm được đầu ra hiệu quả hơn. Nhu cầu tiêu dùng của người dân được đáp ứng đầy đủ và an toàn. Đơn vị cũng mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và người dân để cùng chung tay hỗ trợ nông sản Việt.
Ngọc An (Ảnh: Grab)