Thị trường giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử và đồ ăn trực tuyến ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt. Thời gian giao nhận được rút ngắn từ một ngày, hai giờ thậm chí đến 60 phút.
Theo báo cáo của Havas Riverorchid, 63% người tiêu dùng chọn yếu tố tiện lợi và nhanh chóng khi được hỏi về lý do sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi. Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM cũng cho thấy, 96% người tiêu dùng được hỏi đồng ý tốc độ giao hàng là yếu tố quan trọng nhất.
Khảo sát trên được thực hiện trên 600 đáp viên tại Hà Nội và TP HCM. Cũng theo kết quả khảo sát này, GrabFood được đánh giá cao nhất về tốc độ với khoảng 80% khách hàng đánh giá là dịch vụ giao thức ăn "nhanh nhất Việt Nam".
Kết quả này gây bất ngờ bởi so với các dịch vụ giao đồ ăn khác trên thị trường như Foody/Now.vn, GoFood, Vietnamm..., GrabFood được xếp vào nhóm sinh sau đẻ muộn. Để vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua tốc độ với trung bình 20 phút mỗi đơn, Grab tự nhận sở hữu nhiều ưu thế.
"Thứ nhất, GrabFood sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ từ công ty mẹ - Grab với mạng lưới đối tác kinh doanh rộng khắp (tăng 10 lần từ tháng 6) và lượng đối tác tài xế lớn trên thị trường", đại diện Grab nói.
Ngoài ra, GrabFood còn hưởng lợi nhờ hệ sinh thái đang mở rộng của Grab. Người dùng có thể đặt GrabCar/GrabBike đi làm, gửi hàng bằng GrabExpress, đặt đồ ăn qua GrabFood, thanh toán bằng GrabPay by Moca. Ngoài ra, tính năng GrabReward đi kèm nhằm níu chân khách hàng trung thành với các chính sách ưu đãi, tặng thưởng.
Tốc độ giao hàng của GrabFood còn được quyết định bởi lượng shipper hùng hậu từ GrabBike. Theo đó, GrabFood từ khi ra đời đã có sẵn hệ thống shipper nhận đơn và giao hàng.
Giám đốc Grab Việt Nam, ông Jerry Lim khẳng định: "Mạng lưới đối tác tài xế rộng rãi, dày đặc tạo nên lợi thế đặc biệt của chúng tôi. Mục tiêu tiếp theo của GrabFood là tăng cường hệ thống nhà hàng, quán ăn trên ứng dụng để khách hàng có thể tìm thấy địa điểm gần nhất, từ đó rút ngắn hơn thời gian giao hàng".
Khốc liệt cuộc chiến tốc độ giao đồ ăn
Báo cáo của Euromonitor cho biết, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Vào ứng dụng và chọn món dần trở thành thói quen phổ biến. Báo cáo của GCOMM cho thấy trong số các đáp viên, 99% người sử dụng dịch vụ ít nhất 2 đến 3 lần mỗi tháng; 39% sử dụng 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Ý thức được tiềm năng khổng lồ của thị trường và xu hướng lựa chọn của khách hàng, các thương hiệu giao đồ ăn ngoài gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng chú trọng đến tốc độ. Now cam kết giao thức ăn từ 25 phút, Lala là dịch vụ giao thức ăn tận nơi trong 30 phút. Tân binh GoFood cũng đặt tiêu chí này hàng đầu qua slogan "Món gì cũng có, mà còn giao nhanh".
Tuy vậy, đây không phải là miếng bánh dễ "xơi" với tất cả mọi người. Nhiều cái tên đã rút lui như FoodPanda. Trong số những ứng dụng phổ biến được nhiều người biết đến nhất gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, Lala và Lixi cũng đang dần "im hơi lặng tiếng".
Do đó, giao đồ ăn được dự báo sẽ tiếp tục là cuộc cạnh tranh "đốt tiền" khốc liệt giữa các dịch vụ, tương tự như cuộc đua trên thị trường ứng dụng vận chuyển trước đây. Tuy vậy, khác với ứng dụng vận chuyển, không phải ai tung nhiều mã khuyến mãi nhất là người chiến thắng Thay vào đó, trên thị trường giao đồ ăn, tốc độ và chất lượng sẽ là yếu tố quyết định.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng người hưởng lợi sau cùng vẫn là người tiêu dùng Việt khi trong tương lai, họ sẽ được sở hữu những siêu ứng dụng, đáp ứng mọi nhu cầu chỉ với một cú chạm trên chính chiếc điện thoại.
Phong Vân