Grand Prix Hàn Quốc lần đầu được tổ chức trên đường đua Yeongam (cách thủ đô Seoul 400 km về phía nam) vào năm 2010 với thời hạn kéo dài bảy năm và có thể được gia hạn thêm 5 năm, cho tới hết 2021.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức chặng đua F1 tại đất nước Đông Á này đã phải sớm rời bỏ cuộc chơi xa xỉ vào cuối năm 2013 khi những khoản thu từ Grand Prix Hàn Quốc không thể bù lại so với chi phí phải trả để giành được quyền đăng cai. Vì thế việc Hàn Quốc bất ngờ có mặt trở lại trên lịch thi đấu là một nghi vấn lớn.
Một số nguồn đáng tin cậy cho biết Liên đoàn Đua xe Thế giới (FIA) đã đơn phương đưa Hàn Quốc trở lại lịch thi đấu khi chưa nhận được cam kết tham dự của đơn vị đăng cai. FIA dự tính Grand Prix Hàn Quốc sẽ vẫn được tổ chức tại Yeongam hoặc có thể là một đường đua trên phố ở Seoul. Ở bốn lần tổ chức trước, cuộc đua F1 tại xứ sở kim chi luôn được tổ chức vào tháng 10 nhưng năm tới Grand Prix Hàn Quốc sẽ chuyển sang tổ chức vào ngày 3/5, vì thế thời gian chuẩn bị cho cuộc đua sẽ là rất gấp gáp.
Trên thực tế, khả năng Grand Prix Hàn Quốc 2015 trở thành hiện thực là rất nhỏ. Cuộc đua được diễn ra vào tuần lễ ngay trước Grand Prix Tây Ban Nha vì thế sẽ là một thách thức cực lớn cho đội ngũ hậu cần của các đội đua F1 khi phải chuẩn bị, đóng gói, di chuyển và lắp ráp hàng tấn dụng cụ với quãng đường gần 10.000 km để kịp cho cuộc đua. Liệu FIA có cần phải đánh đố các đội đua như vậy hay không? Câu trả lời là rất đơn giản.
Theo luật F1 được cập nhật hồi đầu năm 2014, thì kể từ mùa giải 2015, mỗi tay đua chỉ được phép sử dụng tối đa bốn bộ động cơ (thay vì năm như hiện nay). Tuy nhiên, nếu số chặng đua lớn hơn 20 thì số động cơ được phép sử dụng sẽ là năm bộ. Chính xác là các nhà làm luật quy định “Mỗi tay đua sẽ được sử dụng tối đa năm động cơ nếu lịch thi đấu nguyên bản có nhiều hơn 20 chặng đua.”
Chúng ta cần lưu ý từ khóa “lịch thi đấu nguyên bản”. Lịch thi đấu được FIA công bố hôm 3/12 là lịch thi đấu đã được “khẳng định” (confirmed), trong đó riêng Grand Prix Hàn Quốc ở trạng thái “chờ khẳng định” (to be confirmed). Điều này khiến ở mùa giải tới, các tay đua chắc chắn vẫn sẽ được sử dụng 5 bộ động cơ cho mỗi người, cho dù Grand Prix Hàn Quốc có được tổ chức hay không đi nữa.
Sau mùa giải 2014, trừ Mercedes, các nhà sản xuất động cơ khác như Ferrari, Renault hay Honda đều muốn hạn mức động cơ được sử dụng là năm bộ. Chứng kiến sự thống trị nhàm chán của đội đua Mercedes ở mùa giải vừa qua, các nhà tổ chức đang muốn cuộc đua mùa giải tới giàu tính cạnh tranh hơn. Vì thế động thái đưa Hàn Quốc trở lại lịch thi đấu nhiều khả năng chỉ là “động tác giả” của các nhà quản lý giải đua nhằm giúp các nhà sản xuất động cơ có cơ hội thu hẹp khoảng cách với Mercedes ở mùa giải tới.
Như vậy, rất khó có thể chứng kiến những chiếc xe F1 lăn bánh tại Hàn Quốc ở mùa giải tới. Việc FIA đưa Hàn Quốc trở lại lịch thi đấu nhiều khả năng chỉ là động thái để gỡ bỏ hàng rào cản trở đối với các đội đua F1 đối thủ của Mercedes nhằm giúp cuộc đua sắp tới giàu tính cạnh tranh hơn. Tình huống một cuộc đua F1 được đưa vào lịch thi đấu rồi lại bị rút ra chỉ một thời gian ngắn sau đấy không phải là hiếm gặp.
Minh Phương